Sau 30 năm vẫn gia công, lắp ráp
Theo điều tra của Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Bộ Công Thương, ngành điện tử hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp.
Ảnh minh họa: KT. |
Phần sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa - cao su. Các nhà cung ứng cấp một cho ngành điện tử hầu hết là công ty 100% vốn nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh.
Phát biểu tại Hội thảo mới đây tại Hà Nội, bà Vũ Thị Thanh Huyền, giảng viên Trường Đại học Thương mại cho biết, hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa vươn tới các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng giám đốc công ty CP Hanel, chia sẻ: Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn 30 năm nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần 20 năm họ đã có một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh.
Doanh nhân này cho rằng, cần nhìn nhận lại mối liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI, liên kết giữa quản lý nhà nước và bộ ngành.
Theo ông Nguyễn Đình Vinh, hiện nay các DN không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng nếu không được đảm bảo đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn.
Ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc của Công ty Samsung Việt Nam đánh giá, khó khăn lớn nhất của các DN FDI khi đầu tư ở Việt Nam là không biết DN Việt có thể sản xuất công nghệ nào, quy mô ra sao.
“Cần có cơ sở dữ liệu của các DN, từ đó các DN FDI có thể tìm kiếm đối tác là nhà cung ứng”, ông Bang Hyun Woo gợi ý.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Dự kiến, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử sẽ vượt ngưỡng 70 tỷ USD, trong đó 95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Tuệ Anh, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử đạt những kết quả ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành một trong những nhà xuất khẩu công nghiệp điện tử lớn của thế giới, nhưng đáng tiếc là chủ lực xuất khẩu điện tử vẫn là các DN ngoại, còn các DN trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công. Trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 với trị giá hơn 34 tỷ USD thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 99,8%.
Thực tế cho thấy, nhờ sự tham gia của những “người khổng lồ” quốc tế mà diện mạo ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có bước thay đổi tích cực, đáng ghi nhận, Phó Viện trưởng CIEM nhận định.
Bà Tuệ Anh cũng cho hay, DN ngoại chiếm tới hơn 95% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, thì vai trò của DN trong nước rất mờ nhạt, thiếu sức sống.
Loay hoay tìm hướng đi
Để hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho rằng, cần sự nỗ lực rất lớn trong việc thực thi của các bộ, ngành, bố trí đủ nguồn lực về tài chính, con người và tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp nội địa phát triển.
Tuy nhiên, bà Hương thừa nhận, phát triển ngành công nghiệp điện tử cần từng bước và quá trình lâu dài. Thay vì kỳ vọng sắp tới sẽ cho ra đời sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt Nam thì nên xem xét tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nội địa trong giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điện tử Việt Nam và đóng góp vào giá trị sản xuất điện tử trên thế giới.
Theo bà Hương, không chỉ không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ về đất đai, thuế.... so với các DN FDI mà các DN nội còn phải chịu sự bất bình đẳng trong nhập khẩu công nghệ.
Chẳng hạn, Việt Nam cho phép các tập đoàn điện tử như Samsung, LG, Intel đầu tư vào Việt Nam và việc các nhà cung cấp, các công ty vệ tinh của hãng cũng vào Việt Nam mang theo một lượng lớn thiết bị công nghệ cũ và đang hoạt động tại nước ngoài với khấu hao không đáng kể.
Nhưng, các doanh nghiệp trong nước lại không được khuyến khích nhập khẩu thiết bị công nghệ cũ, chi phí bỏ ra là quá lớn trong khi vốn, lãi vay, khả năng làm chủ thiết bị công nghệ hạn chế, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp so với doanh nghiệp FDI.
Chỉ một số ít doanh nghiệp phụ trợ có thể tham gia chuỗi cung ứng cho các hãng này, tuy nhiên tỷ trọng về khoa học công nghệ trong các sản phẩm này là không cao.
Về phía DN FDI, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc quan hệ đối ngoại của Samsung Việt Nam cho biết, đến năm 2020 Samsung Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống giao dịch trực tiếp với 50 doanh nghiệp Việt, tăng 2,5 lần so với 2016.
Ông Tuấn cũng cho hay, từ 2018 sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan và một số tỉnh tích cực tìm kiếm, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc thuộc ngành hàng công nghệ cao.
Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, từ nay đến năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh của Việt Nam sẽ tăng từ 7,3-11,9%.
Trong khi đó, các chuỗi phân phối với tỷ lệ cổ phần nằm trong tay các công ty, tập đoàn nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, hàng ngoại đã và đang đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam.