Hiện các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản cao hơn mức bình quân là Đầu tư Hải Phát (46,22%), Đầu tư Văn Phú - Invest (38,74%), DIC Corp (33,49%), Khang Điền (33,55%), Novaland (27,63%), Cen Land (29%).
Đáng lưu ý là Khang Điền (KDH) sử dụng nợ vay mạnh trong 9 tháng với mức tăng gấp 2,8 lần lên mức 7.200 tỷ đồng, trong đó, nợ tài chính dài hạn ghi nhận 6.176 tỷ đồng gấp 3,6 lần so với đầu năm.
Riêng các khoản vay ngân hàng của Nhà Khang Điền đạt 5.849 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với con số 2.070 tỷ đồng hồi đầu năm. Theo thuyết minh, công ty đẩy mạnh vay nợ tài chính nhằm tài trợ vốn cho các dự án Tân Tạo - khu A, Lê Minh Xuân mở rộng, 11A Bình Hưng, khu nhà ở phường Phú Hữu, thông qua vay vốn ngân hàng OCB và Vietinbank với lãi suất 10,5 - 11,4%/năm.
Ngoài ra, Nhà Khang Điền cũng vay trái phiếu với dư nợ đạt 1.100 tỷ đồng, ghi nhận từ 2 lô trái phiếu tín chấp có kỳ hạn trả gốc trong năm 2025, lãi suất 12%/năm, mục đích là tăng quy mô vốn hoạt động.
Vay nợ và tồn kho của một số ông lớn BĐS tại ngày 30/9/2022. |
Không chỉ đối mặt với áp lực nguồn vốn mà doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với áp lực hàng tồn kho tăng cao.
Doanh nghiệp tăng mạnh giá trị hàng tồn kho như Vinhomes tăng 91,1% lên 54.628 tỷ đồng. Trong lượng hàng tồn kho này, tồn kho sản phẩm đang xây dựng tăng 29.889 tỷ đồng lên 52.719 tỷ đồng.
Tiếp sau đó là mức tăng 65% của giá trị tồn kho của Nhà Khang Điền với 12.700 tỷ đồng. Chiếm phần lớn hàng tồn kho là bất động sản xây dựng dở dang tại các dự án Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo (5.050 tỷ đồng, tăng 42%), dự án Đoàn Nguyên - Khu nhà ở Đoàn Nguyên (3.208 tỷ đồng, mới ghi nhận sau thương vụ mua lại công ty con trong nửa đầu năm), dự án Bình Trưng - Bình Trưng Đông (1.025 tỷ đồng, tăng 99%).
Ngoài 3 dự án trên, Nhà Khang Điền cũng ghi nhận mức tăng tồn kho tại các dự án Khang Phúc - Khu dân cư Bình Hưng 11A, Khang Phúc - Lovera Vista và Khang Phúc - An Dương Vương. Cùng với đó, Khang Điền cũng ghi nhận 725 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, tăng 3,4% so với đầu năm.
Doanh nghiệp BDS có khối hàng tồn kho tăng mạnh trong 9 tháng. |
Một số doanh nghiệp khác có lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong thời gian qua là: DIC Corp tăng 46,3% lên 5.629 tỷ đồng; Đất Xanh tăng 25,5% lên 14.108 tỷ đồng; Novaland tăng 17,6% lên 129.636 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, Chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức như sự thắt chặt các khoản vay ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà. VNDirect đánh giá, các nút thắt về pháp lý BĐS nhà ở khó có những cải thiện đáng kể ít nhất đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.
Trước đó Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về thực trạng thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.
Trước sự khó khăn này, trong sáng nay (8/11), Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1492 mời lãnh đạo Bộ Xây dựng và lãnh đạo các doanh nghiệp đến dự cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
11 doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Nam được Văn Phòng Chính phủ mời họp bao gồm: Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Đầu tư IMG, Công ty địa ốc Hoàng Quân, Tập đoàn Himlam, Công ty cổ phần Đại An, Tập đoàn Phú Cường, Tập đoàn Sơn Kim Land, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), Tập đoàn Khang Điền và Hiệp hội bất động sản TP. HCM.