Đưa đồ bẩn độc thờ cúng là có tội với tổ tiên
Xung quanh việc người Việt bỏ ra những khoản tiền lớn mua đồ độc, lạ, có giá trị mang về thờ cúng tổ tiên, GS.TS Lê Chí Quế, cho rằng, nhiều người quan niệm rằng mua được càng nhiều thứ đồ đắt tiền, quý hiếm thì mới thể hiện cái tâm với ông bà, tổ tiên. Nhưng từ thành tâm đó thì phong tục lâu đời này bị biến tướng trở thành kiểu khoe của, muốn nhà mình cái gì cũng hơn nhà người khác.
''Việc một bộ phận người Việt dù biết thực phẩm bẩn độc nhưng vì muốn chứng tỏ bản thân vẫn mua về đặt lên thờ cúng tổ tiên là hành động khoe mẽ xấu xí và rất đáng lên án.
Hiện nay chúng ta nói nhiều đến việc thực phẩm bẩn độc, các chất tẩm ướp, hóa chất có hại cho sức khỏe con người. Chuyện người dân e ngại và cảnh giác với những điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên việc đặt lên bàn thờ những thực phẩm bẩn độc để thờ cúng tổ tiên, theo tôi là đáng lên án"" - ông Quế thẳng thắn.
Theo ông Quế, nếu người dân không biết thì là chuyện khác. Đằng này người dân họ hiểu rõ sự độc hại của táo lê hình Thần Tài, gà ướp chất vàng da... mà vẫn đưa lên thờ cúng thì có khác gì đầu độc Tổ tiên đâu.
""Việc này là có tội với ông bà, cha mẹ, những đấng sinh thành. Chắc chắn Tổ tiên sẽ không phù hộ mà thậm chí còn trừng phạt vì những hành động này.”, GS.TS Lê Chí Quế nhấn mạnh.
GS.TS Lê Chí Quế cho rằng việc đưa đồ bẩn độc lên bàn thờ là hành vi đầu độc và có tội với tổ tiên. Ảnh: Nguyễn Huệ |
Theo chuyên gia văn hóa này, việc thờ cúng nên xuất phát từ lòng thành tâm chứ không nên chạy theo những giá trị vật chất.
“Tôi tin rằng tổ tiên sẽ không bao giờ quở trách chuyện con cháu thờ cúng đồ ít giá trị bao giờ có. Nếu có điều kiện thì có thể mua đồ xuất xứ từ nước ngoài còn không thì chỉ cần ít hương hoa với chén rượu. Một khi đưa lên bàn thờ dù thực phẩm có rẻ hay đắt tiền thì sạch, tươi và đảm bảo. Quan trọng là cái tâm, cái lòng thành kính chứ không phải là những đồ dùng đắt tiền, có giá trị.”, GS.TS Quế chia sẻ.
Vứt đi còn đáng trách hơn
Ông Lê Chí Quế cũng đặc biệt lên án chuyện sau khi thờ cúng xong người dân vì lo sợ thực phẩm bẩn độc mà không ăn, rồi đem cho hàng xóm, người giúp việc hay ném đi cho chó, mèo.
“Việc con cháu tưởng nhớ, thờ cúng ông bà, cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Theo truyền thồng xưa kia, sau khi cúng bái xong các thành viên trong gia đình mỗi người sẽ ăn một ít đồ cúng để lấy may, hoặc với những đồ vàng mã sẽ đem đốt để bày tỏ tấm lòng với tổ tiên.
Tuy nhiên, hiện nay trước vấn đề thực phẩm bẩn độc thì nhiều người dân không dám ăn thực phẩm mình mua về cúng mà đem cho, biếu người khác hoặc vứt đi cho chó, mèo ăn. Tôi cho rằng việc làm này không nên và càng đàng phải phê phán hơn.
Nó thể hiện sự không tôn trọng những người đã khuất. Thứ hai là gián tiếp đầu độc những người xung quanh. Anh không thể bỏ thái độ vô trách nhiệm, chỉ biết lo cho sức khỏe của bản thân và bỏ mặc người khác được”, GS.TS Quế khẳng định.
Trước vấn nạn trên ông cho rằng người tiêu dùng phải thật sự thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là đồ cúng bái.
“ Đồ thờ cúng là những vật mang ý nghĩa tâm linh vì thế tôi cho rằng nên chọn những sản phẩm ở thị trường trong nước. Chúng ta thường quan niệm màu đỏ và vàng trên bàn thờ sẽ đem lại nhiều may mắn trong các dịp lễ hay đầu năm mới.
Vì thế, theo tôi thay vì mua táo lê hình Thần tài, Phật Di Lặc, ông Thổ địa hay thỏi vàng... có xuất xứ từ Trung Quốc độc hại, chúng ta nên chọn những sản phẩm đã được kiểm định về chất lượng trong nước.