Dinh 1 được xây dựng vào những năm 1940 bởi nhà triệu phú người Pháp Robert Clément nên gây ấn tượng đặc biệt với du khách ở kiến trúc Pháp cổ kính. Đặc biệt, Dinh 1 gắn liền với tên tuổi của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam nên rất phù hợp với những du khách yêu thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử. |
Dinh 1 Đà Lạt còn có tên gọi khác là Dinh Bảo Đại 1, Dinh 1 Bảo Đại, Dinh Gia Long nằm trên đường Trần Quang Diệu thuộc phường 10, Tp.Đà Lạt. Trước đây từng là của các Vua triều Nguyễn, Quốc trưởng... Sau thời gian bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Những năm gần đây, được một doanh nghiệp trùng tu và đưa vào hoạt động kinh doanh du lịch từ năm 2015, khu du lịch Dinh 1 mỗi ngày đón từ 2.000-3.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. |
Hiện tại, sau 6 tháng buộc ngừng hoạt động của dự án Khu du lịch Dinh 1 Đà Lạt đã làm lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời làm mất đi điểm du lịch rất nổi tiếng của Tp.Đà Lạt. |
Từ tháng 4/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản thu hồi dự án do thực hiện sai quy định thủ tục cho thuê nhà đất, khu du lịch nổi tiếng này đã phải ngừng hoạt động tới nay.Các cánh cổng của Khu du lịch bị chủ đầu tư khóa lại, kèm theo bảng thông báo ngừng hoạt động từ ngày 26/4/2024. |
Cụ thể 2 biệt thự nằm riêng rẽ trong khuôn viên và khu nhà ăn, trần nhà bằng thạch cao đã bị mục và sập xuống từng mảng lớn. Trần và tường bên trong của toàn bộ các khối nhà trong Dinh nhiều chỗ đã bị mốc đen, bên ngoài mọc đầy rong rêu. |
Cả khuôn viên của Khu du lịch này chỉ có 1 bảo vệ trông coi và 3 công nhân đang làm vườn. |
Dinh 1 Đà Lạt là một công trình kiến trúc cổ kính, uy nghi và tao nhã, tọa lạc trên một đồi thông rộng hơn 18ha, được triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery xây dựng năm 1940. Sau đó Dinh thự này trở thành tổng hành dinh của vua Bảo Đại, sau đó là Quốc trưởng trong thời gian từ năm 1949-1955.Năm 1956, nơi đây trở thành dinh thự riêng của Ngô Đình Diệm. Sau năm 1975, Dinh được đưa vào khai thác du lịch nhưng vì nhiều lý do bị xuống cấp trầm trọng. |
Sau hàng chục năm bị bỏ hoang, xuống cấp, tháng 12/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt-Tập đoàn Hoàn Cầu thuê đất, thuê rừng trong thời hạn 50 năm để thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace (gọi tắt là dự án King Palace). |
Tháng 6/2015, doanh nghiệp này được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án này với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó riêng vốn trùng tu dinh và các biệt thự trong khuôn viên khoảng 100 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2014-2016. Các nghĩa vụ tài chính liên quan dự án như tiền thuê đất, thuê nhà, thuê rừng, doanh nghiệp đã nộp xong cho cả thời gian thuê. |
Sau khi được thuê, Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt đã triển khai cải tạo tòa nhà Dinh 1, nhà tiếp đón, 2 biệt thự, vườn thượng uyển, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh công cộng, khu bán hàng lưu niệm, bồn hoa, cây xanh. |
Cùng với việc trùng tu, chủ đầu tư được giao quản lý một chiếc trực thăng (loại trực thăng mà vua Bảo Đại sử dụng trước đây) để khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng tại sân sau, nơi có đường hầm thoát hiểm từ phòng làm việc của chủ dinh thự xuống bãi đáp trực thăng. Đến tháng 9/2015, dự án King Palace tại Dinh I chính thức mở cửa đón khách. |
Tuy nhiên đến ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ có Kết luận 929/KL-TTCP sau khi tổ chức thanh tra nhiều dự án tại tỉnh Lâm Đồng. Về dự án King Palace, Kết luận nêu Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt thuê nhà, thuê đất Dinh I để thực hiện dự án trong khi không có trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 là vi phạm quy định tại khoản 1 điều 52 luật Đất đai năm 2013. Việc cho thuê nhà đất Dinh I và các biệt thự trên khuôn viên đất 1,86ha không thông qua đấu giá là vi phạm điều 43 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP. |
Tại Kết luận 929, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấm dứt hoạt động của dự án King Palace. Trường hợp Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt có nhu cầu thuê lại Dinh I và các biệt thự, đất trong khuôn viên thì xác định lại giá, cho thuê tài sản theo đúng quy định.Thực hiện Kết luận 929, ngày 26/8/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản chấm dứt hoạt động dự án King Palace. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh ban hành quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án này theo giấy phép đã cấp năm 2015 cho Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt. Sau khi bị chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp đã gửi đơn đến Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét lại việc thu hồi dự án, nhưng dự án này thuộc trường hợp phải chấm dứt hoạt động và thu hồi đất. |
Tiếp đến, năm 2023, doanh nghiệp có đơn đề nghị tiếp tục thuê lại Dinh I và các biệt thự, đất trong khuôn viên để thực hiện dự án King Palace. Sau thời gian các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt nghiên cứu tìm hướng xử lý, đến tháng 4/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp.Sau đó ngày 17/4/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản về thu hồi dự án King Palace và xây dựng phương án đấu giá cho thuê; trong đó, đề nghị Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt chấm dứt ngay việc khai thác, kinh doanh tại dự án King Palace; bàn giao tài sản, đất đai cho Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt quản lý trước ngày 30/4. |
Hiện tại, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt chưa thống nhất được tổng giá trị mà doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án, để xem xét hoàn trả, bồi thường cho doanh nghiệp do thu hồi dự án trước thời hạn, Dinh 1 Đà Lạt vẫn do doanh nghiệp quản lý, nhưng không được phép mở cửa kinh doanh. Do không có nguồn thu từ dự án, doanh nghiệp chỉ duy trì được khoản chi phí tối thiểu để trả lương cho tổ bảo vệ và 3 công nhân. Bởi vậy, cơ sở hạ tầng của Dinh 1 Đà Lạt đang xuống cấp nghiêm trọng do trong hơn 6 tháng qua không được bảo trì, khiến công trình lịch sử này có nguy cơ bị xuống cấp như trước năm 2014. |
Từ khi mở cửa, Khu du lịch Dinh 1 Đà Lạt đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của thành phố Đà Lạt.Khi còn hoạt động, dự án mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan, nộp ngân sách nhà nước từ 2 đến gần 4 tỷ đồng.Tình trạng buộc ngừng hoạt động của dự án này hiện rất lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời làm mất đi một điểm du lịch rất nổi tiếng, cần được tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, vận dụng các quy định của pháp luật để điểm du lịch này hoạt động trở lại. |