Cây móng quỷ là dạng thực vật thân bò, sống lâu năm và được sử dụng nhiều trong y khoa để chữa bệnh. Loại cây này có hình ảnh đặc trưng với phần thân có chiều cao khoảng 1.5m, lá dày và phân chia thành nhiều thùy với các gân to nổi chạy dọc theo chiều dài của lá. Hoa cây móng quỷ có dạng loa kèn, màu hồng, đỏ hoặc tím và ở giữa hơi vàng. Từ hoa sẽ kết thành quả, xung quanh có các gai dài nhọn như móng vuốt, do đó được đặt tên là cây móng quỷ.
Cây móng quỷ có tên khoa học là Harpagophytum procumbens, thuộc họ vừng (Pedaliaceae) và có nguồn gốc từ Nam Phi.
Phần rễ cây móng quỷ sau khi phơi khô được sử dụng với mục đích chống viêm và giảm chứng đau. Chiết xuất cây móng quỷ đã từng được sử dụng lâu đời với mục đích trị sốt, trị thấp khớp, giảm chứng thèm ăn, viêm khớp, các chứng viêm khác và các biểu hiện của rối loạn dạ dày.
Các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy cây móng quỷ có đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm, giảm đau, chống loãng xương và ức chế cảm giác thèm ăn. Các dữ liệu hạn chế trên lâm sàng cho thấy lợi ích của cây móng quỷ đối với các bệnh viêm xương khớp, đặc biệt là khớp hông hoặc khớp gối, đau cột sống thắt lưng và các bệnh thấp khớp. Do còn hạn chế dữ liệu nên vẫn cần thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng có thiết kế tốt để khẳng định tiềm năng trong điều trị các bệnh lý xương khớp của cây móng quỷ.
Phần được sử dụng làm thuốc của cây móng quỷ là rễ và củ. Thành phần hóa học chính trong cây móng quỷ bao gồm các Glycosides iridoid như Harpagoside, Harpagide, Procumbide...
Trong đó, hoạt chất Harpagide được phân lập từ cây móng quỷ là thành phần có tác dụng kháng viêm chính. Hoạt chất này đã được chứng minh có tác dụng ức chế quá trình sản xuất các Cytokine viêm, bao gồm Interleukins IL-1 và IL-6 hay yếu tố hoại tử khối u (TNF-a) ở đại thực bào của chuột. Tác dụng kháng viêm của chiết xuất cây móng quỷ cũng được chứng minh thông qua việc ức chế cảm ứng biểu hiện gen tiền viêm, có thể bằng cách ngăn chặn con đường của protein hoạt hóa (AP-1, một yếu tố phiên mã).
Hoạt chất Harpagide trong cây móng quỷ còn có thể ngăn ngừa chứng loãng xương, thông qua cơ chế điều hòa kích thích biệt hóa nguyên bào xương và ức chế sự hình thành tế bào tủy xương ở chuột nghiên cứu. Trong một nghiên cứu khác, Harpagide được chứng minh có thể ức chế tình trạng mất xương do Lipopolysaccharide gây ra trong mô hình loãng xương do viêm. Tuy nhiên, Harpagide không có hiệu quả trong ngăn ngừa mất xương qua trung gian cắt buồng trứng ở người loãng xương do mãn kinh.
Các nghiên cứu về cơ chế giảm đau chính của cây móng quỷ cho thấy có sự tham gia của hệ thống heme oxygenase-1/carbon monoxide (đóng vai trò trong quá trình xử lý cảm giác) trong cơn đau do viêm gây ra bởi Carrageenan. Tác dụng của cây móng quỷ còn bào gồm khả năng chống oxy hóa bằng cách loại bỏ Superoxide và Peroxide phụ thuộc liều lượng.
Beta-sitosterol, một loại sterol được tìm thấy trong cây móng quỷ, có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ cơ chế của tác dụng này.
Tác dụng của cây móng quỷ được ứng dụng trong điều trị những bệnh lý sau:
Chữa gút: Rễ cây móng quỷ phơi khô, sau đó nghiền mịn và sử dụng khoảng 1800-2400mg hòa tan vào nước để uống hằng ngày;
Chống viêm, giảm đau do bệnh xương khớp: Sử dụng khoảng 2.1g rễ khô của cây móng quỷ nghiền nhỏ thành bột, sau đó chia đều thành 3 phần để sử dụng trong một ngày, mỗi phần khoảng 600-800 mg. Người bệnh cần sử dụng mỗi ngày để đạt hiệu quả cao trong điều trị.
Một nghiên cứu bệnh chứng đã gợi ý nguy cơ viêm tụy cấp tăng lên khi sử dụng dược liệu cây móng quỷ.
Chống chỉ định sử dụng cây móng quỷ
Không sử dụng cây móng quỷ đồng thời với các thuốc là cơ chất của enzyme Cytochrome P450 CYP1A2/2C8/2C9/2C19/2D6 và CYP3A4: cây móng quỷ làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ của các thuốc cảm ứng/ức chế enzyme trên.
Chống chỉ định sử dụng cây móng quỷ đồng thời với các thuốc là cơ chất của P-glycoprotein vì có thể tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, tuy nhiên cơ chế và ý nghĩa lâm sàng của tương tác này vẫn chưa rõ ràng.
Tác dụng không mong muốn của cây móng quỷ: Cây móng quỷ có thể gây ra tình trạng khó tiêu, viêm loét đường tiêu hóa và tăng huyết áp.