Theo Bloomberg, bức thư vừa được tiết lộ như một phần trong tài liệu vụ kiện giữa gia đình nạn nhân và hãng Tesla.
Vào năm 2018, Barret Riley (18 tuổi) chết khi không thể kiểm soát chiếc Tesla Model S ở vận tốc 186 km/h. Chiếc xe sau đó lao thẳng vào bức tường bê tông ở thành phố Fort Lauderdale, bang Florida. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của Barret Riley và người bạn Edgar Monserratt ngồi trên ghế phụ trước.
Elon Musk hiếm khi nhắc đến đứa con đã mất trước công chúng. Ảnh: Getty Images. |
Trong loạt email trao đổi kéo dài suốt 6 tuần năm 2018, Elon Musk đã ngỏ lời chia buồn trước sự cố và mong muốn được đền bù cho người nhà nạn nhân, theo Insider. CEO Tesla cũng gọi điện trực tiếp để hỏi thăm gia đình và chia sẻ về cái chết của đứa con đầu lòng của mình, Nevada Alexander Musk.
“Tôi hiểu rõ cảm xúc của hai vị”, Musk viết trong lá thư gửi đến Riley.
"Nhìn đứa con thân yêu chết trong vòng tay của mình, tôi dường như có thể cảm nhận nhịp tim của nó”, CEO Tesla chia sẻ.
Nevada Alexander Musk mất năm 2002, khi mới 10 ngày tuổi và đang ngủ. Khi Elon Musk và người vợ Justine Wilson đánh thức đứa trẻ thì phát hiện nó đã ngừng thở, theo New York Times.
Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Marie Claire, người vợ cũ của Elon Musk cho biết vị tỷ phú luôn giữ quan điểm không thể hiện nỗi đau ra ngoài. Bà cho rằng chồng mình thậm chí còn không hiểu vì sao mình luôn bày tỏ nỗi đau khi mất đứa con.
Bộc bạch với ông Riley, Musk nói mình vô cùng thương tiếc khi nghe tin về vụ tai nạn.
“Tôi chưa bao giờ yêu cầu bất kỳ sự cảm thông nào. Nhưng cái chết của Barrett và Edgar nên cảnh tỉnh quý công ty về việc bảo đảm an toàn cho người dùng”, bố Riley viết trong lá thư gửi đến Musk tháng 5/2018.
Chỉ 2 ngày sau, tỷ phú công nghệ cho biết Tesla đang cố gắng cải thiện độ an toàn của thiết bị.
“Gia đình, bạn bè và bản thân tôi đều đang sử dụng xe của Tesla. Và dù không sử dụng, tôi vẫn sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, Elon Musk khẳng định.
Chuỗi email Elon Musk gửi đến ông Riley được tiết lộ trong lá đơn đệ trình lên tòa án thị trấn Broward, Bloomberg cho biết. Vụ kiện liên quan đến cái chết của gia đình Edgar Monserratt, người đã mất trên ghế lái trước. Luật sư bên nguyên đang thuyết phục thẩm phán để điều tra về tính năng trợ lái của Tesla.
Gia đình nhà Monserratt và Riley đều đệ đơn kiện Tesla. Trong lá đơn của bố mẹ Monserratt, họ lên tiếng chỉ trích rằng chính sự “cẩu thả” của hãng ôtô đã làm cho Barrett Riley không kiểm soát được tốc độ. Đồng thời, họ cho rằng Tesla đã “thất bại trong việc cảnh báo sai sót kỹ thuật trên dòng xe Model S”.
2 năm sau chuỗi email của Elon Musk, năm 2020, nhà Riley trình đơn khiếu nại về trách nhiệm sản phẩm trước tòa án liên bang Florida. Gia đình cho rằng pin của chiếc Tesla đã “phát nổ và gây ra một ngọn lửa chết người, không thể kiểm soát”.
Loạt email cho thấy một khía cạnh mới trong con người vị tỷ phú giàu nhất thế giới. Ảnh: Getty Images. |
Bloomberg cho biết trước khi vụ án xảy ra 2 tháng, phụ huynh nhà Riley đã yêu cầu lắp thiết bị giới hạn vận tốc trên chiếc ôtô của con trai. Tuy nhiên, theo đơn kiện thì bộ phận này đã bị gỡ khỏi chiếc xe khi được đưa đến hãng để bảo hành.
“Chính đám cháy do hỏng pin đã cướp đi sinh mạng của hai chàng trai trẻ, không phải do tai nạn”, nhà Riley viết trong lá đơn.
Trong loạt email vừa được tiết lộ, Musk cũng đề nghị bổ sung tính năng bố mẹ giữ quyền kiểm soát tốc độ của xe Tesla.
Theo Insider, tháng 6/2018, Tesla đã cập nhật tính năng giới hạn tốc độ. Theo đó, tài xế có thể tự điều chỉnh vận tốc tối đa từ 50-60 dặm/h (gần 100 km/h) thông qua một mã khóa 4 chữ số hoặc ứng dụng bên trong xe. Trong văn bản hướng dẫn sử dụng, hãng đề cập tính năng này được phát triển dành cho Barrett Riley quá cố.
Vụ án của Riley sẽ được đưa ra xét xử trong năm nay. Phản hồi về cả hai đơn kiện, Tesla phủ nhận vấn đề đến từ cụm pin và cho rằng có thể Barrett chính là người “đưa chiếc xe đi kiểm tra hoặc sửa chữa”.