Năm 2006, tại Mỹ diễn ra hội thảo quốc tế về “Tình báo trong chiến tranh Việt Nam”, do Trung tâm Việt Nam, thuộc Đại học Công nghệ Tếch-dớt cùng Trung tâm Nghiên cứu tình báo thuộc CIA phối hợp tổ chức. Một cựu nhân viên CIA đã nhận định rằng: “Đúng là phải có một điệp viên cộng sản từng nằm ngay trong lòng Bộ Tổng tham mưu (ngụy). Dường như không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tùy tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, song chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược”.
|
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Minh. |
Nguyễn Văn Minh sinh năm 1933, tại Hưng Yên, trong một gia đình thợ thủ công. Lớn lên, ông vào Sài Gòn tìm việc làm, lòng yêu nước đã thôi thúc ông tìm đến với cách mạng. 20 tuổi, ông đã là một công nhân hoạt động bí mật cho Mặt trận Liên Việt giữa lòng Sài Gòn. Đến năm 1959, ông được Quận ủy Thủ Đức cử làm nhiệm vụ tìm cách lọt vào quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1963, lợi dụng sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phe phái ngụy quân, ngụy quyền chèn ép nhau để tranh quyền, đoạt lợi, ông đã tìm cách chui sâu vào hàng ngũ kẻ thù với chức danh nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Có. Không lâu sau đó, Nguyễn Cao Kỳ lật đổ Nguyễn Hữu Có nhưng với vỏ bọc là một nhân viên quân sự mẫn cán, tận tụy với công việc, được nhiều người trong Văn phòng quý mến nên ông được tân Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên tiếp tục tin dùng. Từ đó, H3 trở thành một trong 4 nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng.
Điệp viên H3 và Văn phòng Bộ Tổng tham mưu ngụy, nơi ông hoạt động trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. |
Cách làm này đòi hỏi trí não ông hoạt động không ngơi nghỉ. Đôi mắt ông lúc về già bị mờ đi rất nhanh do hoạt động quá tải trong hàng chục năm ròng. Để có thể nắm nhiều tài liệu của địch, ông khéo léo nhận về mình nhiều phần việc trong số 4 nhân viên văn thư. Ngày làm việc cho địch, đêm thức viết lại để báo cho tổ chức, rất nhiều đêm ông đã thức trắng để báo cáo cho hết các nội dung công văn đã nắm được hằng ngày. Các ý đồ lớn của địch, như kế hoạch bình định nông thôn, kế hoạch lấn chiếm, xóa các vùng giải phóng… đều được ông báo cáo chính xác về căn cứ.
Đến đầu năm 1975, ông đã báo cáo tin quan trọng có tính quyết định để ta củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, đó là tin Mỹ trả lời ngụy quân, ngụy quyền: “Mỹ coi như chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, Mỹ sẽ không chi viện cho quân ngụy bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ”. Cùng với đó, các báo cáo của ông còn phân tích mối tương quan giữa lực lượng địch và viện trợ của Mỹ, giữa viện trợ và mức độ sử dụng bom đạn, phi vụ, cơ động của xe tăng, tàu chiến, việc bố trí binh lực tại các quân khu của quân ngụy…
Trong sự kiện 30/4/1975, khi Quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, chính H3 đã động viên các viên chức trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc trong văn phòng để bàn giao cho quân giải phóng.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Nguyễn Văn Minh tiếp tục công tác trong quân đội một thời gian rồi nghỉ hưu theo chế độ. Ông sống khiêm nhường, giản dị, gần gũi với mọi người. Tháng 9/2009, điệp viên H3-Nguyễn Văn Minh từ trần trong thanh thản, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi trong tâm trí người thân và đồng đội. Ông là một trong những điệp viên mà khả năng giữ bí mật hoạt động đã trở thành huyền thoại, khiến kẻ thù kinh ngạc về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần “thép” của ông.