Hạn chế về đài từ vẫn là câu chuyện muôn thuở của điện ảnh Việt, những bộ phim hiện đại ngày nay đều thu tiếng trực tiếp, điều này càng làm lộ ra điểm yếu của diễn viên có đài từ kém. Không ít khán giả cảm thấy tụt cảm xúc, khó chịu vì cách thoại của nhiều diễn viên và cho rằng đây là một phần nguyên do khiến nhân vật của họ nhận nhiều tranh cãi đến vậy.
Với nhiều trường hợp, diễn viên có ngoại hình, có diễn xuất nhưng vướng nhược điểm đài từ gây mất thiện cảm trong mắt khán giả.
Thùy Anh trở lại màn ảnh nhỏ với vai chính trong Đừng nói khi yêu. Nhân vật Ly của cô là người cá tính mạnh, thẳng tính, không ngại đối mặt với những bất công và có tình bạn khăng khít với Tú – cậu bạn khác giới.
Không chỉ bị chê về cách phát triển nhân vật, Thùy Anh còn khiến người xem không hài lòng về giọng nói. Những phân đoạn cần lên giọng, nữ diễn viên bị nhận xét thoại chói, chua. Vai Linh do gương mặt mới Trình Mỹ Duyên thủ vai cũng không tạo được ấn tượng tốt về đài từ. Nhiều trường đoạn, khán giả nói không cảm nhận được tình cảm, cảm xúc nhân vật khi cô thoại như trả bài.
Nhiều diễn viên trẻ màn ảnh Việt bị chê hạn chế về đài từ. |
Xuất hiện thoáng qua trong Thương ngày nắng về, Lâm Bảo Châu đóng vai Nguyên – chàng trai theo đuổi nữ chính Trang (Huyền Lizzie). Dù nhận lời khen ngợi ngoại hình đẹp chuẩn soái ca, Lâm Bảo Châu vẫn còn nhiều hạn chế, thoại không rõ lời, thiếu sự nhấn nhá, gượng gạo. Có khán giả bình luận họ bật cười vì cách thoại như đọc của nam người mẫu, đường hình đẹp mắt nhưng đường tiếng không ổn chút nào.
Một trường hợp diễn xuất không tệ nhưng thoại gây mất cảm xúc là vai An của Lưu Đê Ly trong Chạy trốn thanh xuân. Nữ diễn viên nói rõ từ những không đặt nhiều cảm xúc, đặc biệt trong những cảnh tình cảm. “Cô Tía… trong hợp đồng đã ký…không có điều khoản nào là phá hoại hạnh phúc gia đình nhà người khác… hay đi đánh ghen… sẽ bị đuổi cả… còn nữa… cô hãy trả lời cho cháu… thế nào là phá hoại hạnh phúc gia đình… thế nào là đánh ghen”, cách thoại đều đều, không nhịp điệu lên xuống của Lưu Đê Ly bị chê như cơm nguội, gây ức chế.
Nguyệt Hằng thuyết phục công chúng bởi lối thoại tự nhiên, giàu cảm xúc, thể hiện rõ nét, sinh động tâm lý nhân vật. Nữ diễn viên kỳ cựu của màn ảnh nhỏ phía Bắc gần đây gây ấn tượng khi đóng vai mẹ chồng tâm lý trong Đừng làm mẹ cáu. Nguyệt Hằng có thế mạnh không chỉ về diễn xuất mà còn ở giọng nói, từng góp phần làm nên thành công lớn khi lồng tiếng cho nhân vật Nguyệt "thảo mai" (Phía trước là bầu trời), Thư (Của để dành), Trúc (Những ngọn nến trong đêm), Thắm (Xin hãy tin em)…
Với kinh nghiệm chục năm lăn lộn trong nghề, diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ với Tiền Phong rằng không phải nghệ sĩ nào cũng sở hữu giọng nói tốt ngay từ đầu. Để có đài từ tốt, người diễn viên phải đảm bảo nói tròn vành rõ chữ, không nói tiếng địa phương hay nói ngọng.
“Vì nhược điểm giọng nói, các bạn vốn không tròn vành rõ chữ, cho dù có cảm xúc cũng bị hạn chế. Việc tròn vành rõ chữ thể hiện tinh thần, tính cách của nhân vật. Bạn nào giọng tốt chỉ cần thả cảm xúc, tiếng nói sẽ rất đẹp, rất ngọt, đúng với tâm trạng nhân vật. Có người bị nhược điểm nói nhanh, nói lướt từ, nói giọng cổ không phải giọng bụng, đấy là nhược điểm bây giờ nhiều bạn trẻ hiện giờ mắc phải”, diễn viên Nguyệt Hằng chỉ ra.
Diễn viên Nguyệt Hằng - người lồng tiếng góp phần làm nên thành công của nhiều bộ phim, điển hình là vai Nguyệt "thảo mai" (Hà Hương đóng). |
Theo cô, đài từ là điều quan trọng không chỉ đối với nghề nghiệp mà còn có ý nghĩa với cuộc sống: “Cá nhân tôi, tiếng nói không chỉ tốt cho việc làm nghề mà còn quan trọng ngoài cuộc sống. Khi dạy các bạn nghiệp dư, bao giờ tôi cũng chú trọng đài từ cho các bạn”.
Nữ diễn viên cho biết ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và nhiều trường đào tạo nghệ thuật đều có bộ môn tiếng nói riêng, nhưng không phải cứ học là thay đổi, làm tốt được, kể cả với diễn viên chuyên nghiệp. “Qua quá trình làm nghề, mình phải trau chuốt, để tâm mới thay đổi được, không phải ỷ lại bản thân có tiếng nói tốt mà thoại 'đớt', dùng giọng cổ, làm thế sao thể hiện cảm xúc bên trong nhân vật”, diễn viên Nguyệt Hằng chia sẻ.
Diễn viên trẻ Lê Thanh Tuấn – từng đóng Thông gia ngõ hẹp, Trở về giữa yêu thương – nói với Tiền Phong rằng giọng nói là điều rất quan trọng của người diễn viên. Ở lớp diễn xuất của VFC, anh được các nghệ sĩ kỳ cựu dạy cách truyền đạt cảm xúc, nói ở đâu, nói như thế nào, thậm chí nói thầm nhưng vẫn phải đủ độ để người ta nghe thấy, chứ không phải nói không thành tiếng.
Trong quá trình làm việc, anh học hỏi kinh nghiệm từ tiền bối đi trước. Với anh, một khi đã nhập tâm vào nhân vật, cách thoại của người diễn viên cũng bộc phát, trở nên thăng hoa hơn.
Với diễn viên Kim Oanh, cô có cơ hội dùng giọng Quảng Trị diễn xuất trong một số bộ phim truyền hình. Khi nói giọng quê hương, cô hạn chế từ nặng và dùng ngôn ngữ phổ thông để khán giả hiểu được. Tính đến thời điểm này, diễn viên đã đóng 3 bộ phim nói giọng Quảng Trị và đều nhận được đánh giá tích cực từ người xem. Cô nói vấn đề đài từ còn tùy thuộc khả năng mỗi người và mong khán giả bớt khắt khe và ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của diễn viên trẻ trong từng vai diễn.
Quỳnh Kool là diễn viên có sự thay đổi tiến bộ rõ rệt trong diễn xuất, đài từ. |
Được biết đến thông sitcom trên kênh Kem xôi TV hay một số bộ phim ngắn, Quỳnh Kool gây tranh luận về diễn xuất một màu, giọng âm vực cao thời gian đầu đóng phim VFC. Phải đến khi diễn chính trong dự án Ga-ra hạnh phúc, Đừng làm mẹ cáu, nữ diễn viên mới thực sự làm khán giả cảm nhận được sự cố gắng, nỗ lực thay đổi. Đài từ của Quỳnh Kool được nhận xét êm tai, cảm xúc hơn.
Trước câu hỏi “đài từ hạn chế của nhiều diễn viên trẻ liệu có cải thiện được?”, diễn viên Nguyệt Hằng chia sẻ: “Vấn đề có ai nhắc nhở các bạn diễn viên đó không, đạo diễn có nhu cầu đòi hỏi các bạn thay đổi không hay chính bản thân các bạn thực sự muốn thay đổi không. Nếu các bạn có nhu cầu, biết nhược điểm của bản thân, chắc chắn sẽ sửa được”.
Theo ý kiến của nữ diễn viên, người bị nhược điểm về tiếng nói đầu tiên phải cố gắng bởi cần làm hai việc cùng lúc: nói tròn vành rõ chữ - riêng việc này khiến họ mất tự tin, sau đấy là diễn xuất. Với người may mắn có giọng nói hay, họ chỉ cần cảm xúc và diễn tốt, đây đã là lợi thế lớn.
Một đồng nghiệp của Nguyệt Hằng thời gian mới vào nghề nói nhanh, lướt từ, dùng giọng cổ nhưng đến bây giờ họ thay đổi ít nhiều, mặc dù chưa chuẩn chỉnh 100%.
Không chỉ cống hiến cho khán giả những vai diễn hay, Nguyệt Hằng còn dùng chất giọng của mình góp phần tạo nên thành công của nhiều bộ phim. |
“Ngày xưa lồng tiếng nên mọi người không để ý, diễn viên ngày xưa cũng vậy, nhiều người ỷ lại có người lồng tiếng nên không chú trọng tiếng nói của mình. Vì điều này dẫn đến các bạn nói theo bản năng, thành thói quen. Hiện tại có kỹ thuật thu tiếng trực tiếp, đồng bộ, mọi người càng để ý hơn tiếng nói của nhân vật, diễn viên”.
Diễn viên Bí mật Eva cho hay nếu là diễn viên chuyên nghiệp, điều kiện đầu tiên khi thi tuyển phải có giọng nói tốt. Nữ diễn viên tiếc cho đồng nghiệp vì hạn chế đài nhưng ỷ lại lồng tiếng nên đánh mất nhiều cơ hội.
“Có những bạn tôi rất tiếc, ngày xưa đóng phim khá nhiều, xinh đẹp, diễn tốt nhưng ỷ lại lồng tiếng nên không hề chú trọng đến tiếng nói của mình. Đến bây giờ thu tiếng đồng bộ, bạn ấy thiệt thòi, bạn không được nhận những vai chính, những vai dài, xuyên suốt, tâm lý…”.
Là người từng dùng chất giọng đẹp của mình góp phần tạo nên thành công của nhiều bộ phim, Nguyệt Hằng cho rằng đạo diễn vẫn có thể “chữa” cho diễn viên bằng cách lồng tiếng nếu họ thích diễn xuất, thấy phù hợp với nhân vật nhưng người này gặp vấn đề đài từ.
Công đoạn hậu kỳ không cản trở tiến trình của bộ phim vì không tốn nhiều thời gian khi lồng tiếng một người, nhưng trường hợp này rất ít, trừ khi đạo diễn yêu cầu giọng Nam thành giọng Bắc và ngược lại. Theo nữ diễn viên, ngay từ bước casting, đạo diễn đã lưu tâm về vấn đề giọng nói, nếu nhược điểm quá lớn, họ sẽ không chọn.
Trước ý kiến lồng tiếng có thể cứu vai, Nguyệt Hằng cho rằng cũng có phần đúng khi tiếng nói của họ không đủ đẹp để thể hiện vai diễn tròn trịa, nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết.
“Diễn viên có diễn xuất, người lồng tiếng mới theo được vai diễn, không phải chỉ vì lồng tiếng là vai diễn tốt. Dù vai diễn đó chưa xuất sắc nhưng đạo diễn đã chọn ắt hẳn phải có lý do. Nếu giọng tôi hợp mặt nhân vật sẽ nâng tầm vai diễn, khán giả xem cảm thấy khớp khẩu hình. Có những nhân vật thể hiện tính cách quá đà, phải lồng tiếng chữa, không thể sửa 100% hay làm khác hẳn đi vì dễ lộ tiếng không đi với hình, như vậy là hại diễn viên”, diễn viên sinh năm 1973 tâm sự.