Thời gian này, gia đình diễn viên Thương Tín cũng đưa ông đến ngân hàng để làm sinh trắc nhận diện khuôn mặt cho nam diễn viên. Theo nhạc sĩ Tô Hiếu, Thương Tín đến bệnh viện khám vào buổi chiều nay (ngày 6/12). Người thân trong gia đình diễn viên Thương Tín sẽ ở lại nhà nhạc sĩ Tô Hiếu đến khi có kết quả bệnh tình của nam diễn viên. Được biết, diễn viên Thương Tín đi khám bệnh trái tuyến, không có bảo hiểm y tế.
Chân diễn viên Thương Tín bị sưng khiến ông không thể đi lại được. Ảnh: FBNV
Tháng 9/2022, tại Hà Tĩnh, diễn viên Thương Tín tham gia phim Culi không bao giờ khóc. Thời gian đóng bộ phim này, ông rất vui, hào hứng vì được trở lại màn ảnh.
"Cát-xê đoàn phim đưa ra 20 triệu đồng cho vai diễn của diễn viên Thương Tín. Đoàn phim nói kinh phí không có nhiều nên chi phí đi lại diễn viên Thương Tín tự chi trả. Do không còn căn cước công dân, nam diễn viên không thể đi máy bay và phải ngồi ô tô một ngày một đêm từ TP.HCM tới bối cảnh ở Hà Tĩnh. Thương Tín khi nghe được đóng phim đã rất hào hứng", Tô Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, ở các sự kiện ra mắt phim, diễn viên Thương Tín không có mặt do đoàn phim không liên lạc được với ông.
Chia sẻ với PV Dân Việt, đạo diễn Phạm Ngọc Lân từng nói: "Trong thâm tâm, tôi cũng hiểu rằng đây có thể là vai diễn cuối cùng của chú Thương Tín. Sau cơn đột quỵ, chú Thương Tín đã yếu đi, nói không còn được tròn vành rõ chữ nữa. Tôi rất mong được có chú góp mặt trong sự kiện ra mắt phim.
Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với người trước đây đưa chú đi đóng phim, chúng tôi được thông báo là sức khỏe của chú không đảm bảo để đến sự kiện. Hiện tại, chú Thương Tín đã về quê và không còn sống ở TP. HCM nữa. Chúng tôi không có số điện thoại của người nhà chú Thương Tín để liên lạc".
Trước đó, diễn viênThương Tín không còn nhận được lời mời đóng phim. Ông chủ yếu tham gia hát đám cưới, giao lưu âm nhạc do nhạc sĩ Tô Hiếu nhận show. Theo chia sẻ của Tô Hiếu, cát-xê những show này của Thương Tín chỉ từ 3-5 triệu đồng, chủ yếu đàn anh nhận được "tiền bông" của khán giả tặng.
Thương Tín sinh năm 1956 trong một gia đình đông con ở Phan Rang (Bình Thuận). Vì đam mê nghệ thuật cải lương từ nhỏ nên Thương Tín đã bỏ nhà trốn theo một gánh cải lương chỉ để được vào vai "không cần thoại" khi mới 13 tuổi với mong muốn theo đoàn hát lưu diễn ở khắp nơi.
Sau đó, gia đình gửi Thương Tín vào học tại Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ ở Sài Gòn. Ra trường, ông đầu quân cho đoàn kịch nói Cửu Long Giang rồi đoàn Kim Cương. Tại đoàn Kim Cương, ông được đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương và nhanh chóng trở nên nổi tiếng với những vở diễn gây ấn tượng với khán giả như: Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ… Thương Tín đã diễn tổng cộng trên 100 vai kịch, hai phần ba số đó là vai chính, vai kép độc.
Thành công với sân khấu cải lương, Thương Tín bắt đầu tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và nhanh chóng được nhiều khán giả biết đến. Một số vai diễn ông thể hiện như: Vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Bạch Hải Đường trong SBC, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng... khiến người xem nhớ mãi. Ông là một trong những diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa, video nhất Việt Nam (tính đến năm 2015) với gần 200 phim.