Một quán cà phê đông khách tại Bratislava, Slovakia ngày 6/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện Đại học George Washington ở Washington D.C., Mỹ, ngày 27/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN |
Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về cả hai chỉ số tổng ca nhiễm và tổng ca tử vong, với 1.290.661 ca mắc COVID-19 và 76.868 ca tử vong, tính tới sáng 8/5 theo số liệu của trang worldometers.info.
Dịch bệnh tại Mỹ hiện vẫn bị cho là còn nhiều nguy cơ lây lan trong bối cảnh quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để nối lại các hoạt động kinh tế, vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt trong dư luận Mỹ. Phát biểu trước Ủy ban Y tế Hạ viện Mỹ ngày 6/5, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden cho rằng Mỹ sẽ phải "sống chung" với virus SARS-CoV-2 trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa, cho đến khi điều chế được một loại vắc-xin hiệu quả.
Ông Frieden nhấn mạnh Mỹ mới chỉ ở trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo số ca tử vong có thể sẽ lên tới 100.000 người vào cuối tháng này nếu không đẩy mạnh các nỗ lực ứng phó.
Người dân ngồi thư giãn tại công viên Trung tâm ở New York, Mỹ ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người dân sưởi nắng tại một công viên ở Amsterdam, Hà Lan ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong ngày 7/5, nhiều nước châu Âu đã thông báo những tín hiệu lạc quan về dịch COVID-19, báo hiệu giai đoạn khủng hoảng nhất có vẻ đã đi qua. Xu thế nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa trở lại hoạt động kinh tế-xã hội xuất hiện tại hàng loạt nước ở cựu lục địa.
Tính đến sáng 8/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại Pháp đã tăng thêm 178 trường hợp, lên tổng cộng 25.987 người. Ngoài ra, nước Pháp cũng ghi nhận 23.208 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện (giảm 775 ca so với hôm 6/5), trong đó có 2.961 người thuộc diện chăm sóc đặc biệt (giảm 186 ca). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp suốt 29 ngày qua.
Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Pháp tới thời điểm này là 174.791 người, tăng 600 ca so với một ngày trước.
Trẻ em thăm Tháp Eiffel ở Paris, Pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran khẳng định, Pháp đã sẵn sàng triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng. Đối tượng được xét nghiệm trong thời gian trước mắt sẽ là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh, có triệu chứng và đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Bộ trưởng Véran nhấn mạnh, những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ bắt buộc phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày và hàng ngày phải đo thân nhiệt ít nhất 2 lần. Một xét nghiệm sẽ được thực hiện 7 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng với người bệnh. Kể cả khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, những trường hợp này vẫn phải tiếp tục tự cách ly thêm 7 ngày nữa.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào bệnh viện Hoàng gia London, Anh ngày 18/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Anh, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.614 ca dương tính và 539 trường hợp tử vong vì COVID-19, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 tới lúc này lên lần lượt 206.715 và 30.615 ca.
Ngày 7/5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định không có bất cứ phép màu nào để ngăn chặn tình trạng lây lan của đại dịch COVID-19 ở các cơ sở dưỡng lão và bệnh viện, song nước Anh tự tin có kế hoạch khả thi nhằm giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Raab cũng cho hay, hiện chưa có bất cứ thay đổi nào đối với lệnh phong tỏa của nước Anh trước khi chính phủ nước này xem xét về các biện pháp sẽ được công bố vào ngày 10/5. Theo ông Raab, bất cứ thay đổi nào được công bố sẽ đều là những thay đổi nhỏ.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cùng ngày cảnh báo nền kinh tế "xứ sở sương mù" có thể rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 300 năm qua do các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện Sant'Orsola-Malpighi ở Bologna, Italy, ngày 29/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong một ngày qua, nước này đã ghi nhận 1.401 ca mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 215.858 người. Số ca tử vong vì đại dịch ở Italy cũng tăng thêm 274 trường hợp, lên tổng số 29.958 người.
Bên cạnh đó, quốc gia Nam Âu này ghi nhận thêm 3.031 bệnh nhân COVID-19 hồi phục sức khỏe, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 96.276 người. Số bệnh nhân thuộc diện điều trị đặc biệt ở Italy tiếp tục giảm 22 ca xuống còn 1.311 người. Nhìn chung, diễn biến dịch tại "điểm nóng" Italy đang hạ nhiệt dần những ngày qua.
Đấu trường La Mã nổi tiếng ở thủ đô Rome của Italy. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhật báo Corriere Della Sera cùng ngày đưa tin, Chính phủ Italy và Hội đồng Giám mục Italy (CEI) đã ký nghị định thư cho phép mở cửa trở lại các nhà thờ và cơ sở tôn giáo trên cả nước kể từ ngày 18/5. Nghị định thư cũng quy định, việc mở cửa trở lại các cơ sở tôn giáo được thực hiện "từng bước" nhằm đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch.
Các cơ sở tôn giáo cần đảm bảo thực hiện những biện pháp khử trùng nơi thực hiện các nghi lễ, kiểm tra thân nhiệt và không cho phép những người có thân nhiệt trên 37,5 độ tham gia, đảm bảo số lượng hạn chế, giãn cách và trang bị khẩu trang, găng tay dùng một lần khi tiến hành nghi lễ hiệp thông.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seville, Tây Ban Nha ngày 26/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tây Ban Nha ngày 7/5 lại chứng kiến những tín hiệu đáng ngại, khi số ca tử vong có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo trang thông kế worldometers.info, tính đến sáng 8/5 (giờ Việt Nam), Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 256.855 bệnh nhân COVID-19, trong đó 26.070 ca tử vong, tăng 213 ca so với một ngày trước đó. Hiện Tây Ban Nha đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về tổng số ca mắc COVID-19 và đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong, sau Mỹ, Anh, Italy.
Trước đó, với 178 phiếu thuận và 75 phiếu chống, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Pedro Sanchez về việc kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 2 tuần. Theo đó, lệnh khẩn cấp hết hạn ngày 10/5 sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 23/5 tới.
Đây cũng là lần thứ 4, Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần nhằm củng cố những nỗ lực và bảo vệ thành quả trong phòng chống dịch COVID-19.
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Moskva, Nga ngày 2/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Nga, ngày 7/5, nước này đã ghi nhận 11.231 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục tính theo ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở "xứ sở Bạch dương" lên 177.160 người.
Lực lượng đặc nhiệm về COVID-19 của Nga cho biết trong 1 ngày qua đã có 88 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 1.625 người. Trong đó, Moskva vẫn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 6.703 ca nhiễm virus mới ghi nhận.
Phát biểu trong chương trình thời sự trực tiếp của kênh truyền hình Russia 24, Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế của thủ đô Nga có thể đạt 2-2,5% dân số thành phố, tức là tương đương khoảng 300 nghìn trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Munich, Đức ngày 27/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Nổi lên tại châu Âu trong thời gian qua với những biện pháp phòng chống dịch tích cực và hiệu quả cùng hệ thống y tế vững chắc trước đại dịch, Đức đang thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong ngày 7/5, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lars Schaade cảnh báo nước này có thể đối mặt với một đợt tái bùng phát dịch bệnh trước mùa Thu (khoảng từ tháng 9 đến tháng 11).
Tới sáng 8/5, Đức ghi nhận tổng cộng 169.430 ca bệnh (tăng 1.268 ca) và 7.392 ca tử vong, tăng 117 ca so với một ngày trước đó.
Học sinh tới trường ở Tottori, miền tây Nhật Bản, ngày 7/5/2020. Ảnh: Kyodo/ TTXVN |
Ở châu Á, ngày 7/5, một số vùng của Nhật Bản đã cho mở cửa trở lại trường học sau một thời gian đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các trường học ở hai tỉnh Aomori và Tottori là những trường đầu tiên ở Nhật Bản mở cửa trở lại, mặc dù nước này đang trong tình trạng khẩn cấp được Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tháng trước và kéo dài cho đến hết ngày 31/5.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đã cấp phép thuốc kháng virus remdesivir do công ty dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ) bào chế để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh COVID-19. Đây là loại thuốc đầu tiên tại Nhật Bản được cấp phép để chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.
Như vậy Nhật Bản trở thành nước thứ 2 cho phép sử dụng remdesivir để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, sau Mỹ hồi tuần trước. Chính phủ Mỹ đưa ra quyết định trên sau khi một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn cho thấy loại thuốc này đã giúp rút ngắn 1/3 thời gian hồi phục ở một số bệnh nhân.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 6/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Hàn Quốc ngày 7/5/2020 thông báo nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong 3 ngày liên tiếp ở mức dưới 5.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết có thêm 4 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca được phát hiện khi làm thủ tục nhập cảnh và 1 ca lây nhiễm nội địa ở tỉnh Gyeonggi - ca nhiễm nội địa đầu tiên trong 4 ngày qua ở Hàn Quốc
Tới sáng 8/5, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.810 ca mắc COVID-19 và 256 trường hợp tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN |
Hết ngày 7/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 54.200 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.800 người tử vong. Trong 24 giờ qua, chỉ có 2 nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp, song cũng có 8 nước ở khu vực này thông báo các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 54.287 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.494 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.804 người dân ở khu vực này, tăng 62 trường hợp so với một ngày trước. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 13.834 trường hợp.
Nhân viện y tế thực hiện xét nghiệm cho người dân tại Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Indonesia là quốc gia ASEAN ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua ở mức cao đáng lo ngại, với 35 ca. Đây là một trong những ngày có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất ở nước này. Tới hết ngày 7/5, Indonesia cũng là nước có tổng số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất ở Đông Nam Á, với 930 trường hợp.
Bộ Y tế Singapore cùng ngày cho biết nước này đã ghi nhận 741 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 20.939 người, đứng đầu khối ASEAN.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Cairo, Ai Cập ngày 3/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 7/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo quốc gia này đã phát hiện 393 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 7.981 người. Bên cạnh đó, số người tử vong do căn bệnh nguy hiểm này cũng tăng thêm 13 ca, lên tổng số 482 trường hợp.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân bình phục và được xuất viện trong ngày là 72 người, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 1.887. Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly tại các nhà trọ thanh niên hoặc ký túc xá đại học, trong khi các giường điều trị tại bệnh viện cách ly được dành cho bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn.
Cảnh sát Nam Phi đo thân nhiệt cho một lái xe. Ảnh: Phi Hùng-P/v TTXVN tại Nam Phi |
Bộ Y tế Nam Phi ngày 8/5 thông báo, nước này đã ghi nhận 424 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 8.232 người, trong đó có 161 ca tử vong.
Cũng trong 24 giờ qua, Nam Phi đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 12.774 người, nâng tổng số đối tượng được xét nghiệm tại quốc gia 56 triệu dân này lên 292.153 trường hợp. Cho đến thời điểm hiện tại, 3.153 bệnh nhân COVID-19 ở Nam Phi đã khỏi bệnh.
Việc Chính phủ Nam Phi đã buộc phải tạm đóng cửa các trường học 7 tuần trước để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng lúc cũng làm gián đoạn chương trình dinh dưỡng quốc gia cung cấp bữa ăn cho 9 triệu học sinh là con em những hộ gia đình nghèo khó.