Những vụ đầu tư khiến Hoàng Anh Gia Lai lỗ nặng
(Kiến Thức) - Vốn đầu tư lớn, hiệu quả không cao từ một số dự án kinh doanh từng khiến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lỗ nặng.
Dư luận đang xôn xao trước thông tin Hoàng Anh Gia Lai lỗ nặng sau một thời gian ồ ạt nhảy vào đầu tư các dự án kinh doanh mới. Cùng điểm lại những thương vụ đầu tư khiến tập đoàn này "thủng ví".
Thất bại trong ngành thủy điện
Thủy điện là một trong những lĩnh vực đầu tư được kỳ vọng "hút tiền" cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Nhưng chi phí đầu tư quá cao là nguyên nhân khiến HAGL thua lỗ.
Thông tin từ báo Người Lao động, tính đến tháng 7/2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã rao bán 6 dự án thủy điện là Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2 với lý do đầu tư thủy điện không còn mang lại tỉ suất lợi nhuận cao, thậm chí là bị lỗ nặng.
|
HAGL phải rao bán 6 dự án thủy điện vì lỗ nặng. Ảnh: VnExpress. |
Theo thông tin từ phía HAGL, việc bán các dự án này giúp HAGL giảm nợ vay 1.876 tỉ đồng. Trước đó, quý IV/2012, HAGL cũng bán bớt hơn 5% cổ phần của Công ty Thủy điện HAGL.
Lao đao vì mủ cao su
Theo CafeF, năm..., HAGL tiếp tục gặp khó trong lĩnh vực cao su khi giá mủ cao su từ mức cao hơn 5.000 USD/tấn ở thời điểm tập đoàn đầu tư, rớt xuống quanh mức 1.500 USD/tấn. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này đã kéo dài suốt 3 năm, khiến doanh nghiệp gần như phải khai thác mủ trong tình trạng huề vốn, trong khi chi phí bỏ ra cho việc trồng và chăm sóc 42.500 ha là rất lớn.
|
HAGL liên tục gặp khó khăn trong ngành cao su vì mủ cao su rớt giá mạnh. Ảnh: Tin tức. |
Năm 2014 doanh thu thuần từ cao su của HAGL là 227 tỷ đồng, chỉ đạt 67% so với kế hoạch đề ra (341 tỷ đồng) và lợi nhuận gộp là 107 tỷ đồng. Cơ cấu lợi nhuận gộp từ cao su năm 2014 chiếm tỷ trọng 8,7% so với tổng lợi nhuận toàn tập đoàn.
Lỗ hàng trăm tỷ đồng do khoáng sản
Ngay đầu năm 2016, tập đoàn của bầu Đức lại khiến dư luận "sốc" khi bất ngờ công bố lỗ nặng khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Một thông tin đáng chú ý nữa là, HAGL đã lỗ tới 588 tỷ đồng do hoạt động khai thác khoáng sản. Chính vì điều này nên HAG đã quyết định xóa bỏ mảng khai thác khoáng sản đã từng được kỳ vọng rất nhiều.
|
Ngành cao su, bất động sản, khoáng sản của HAGL liên tục xếp hạng doanh thu cuối bảng so với những ngành khác. Ảnh: CafeF. |
Trước đó, năm 2007, HAGL chính thức đầu tư vào ngành khoáng sản và bước đầu triển khai trên nhiều vùng của ba nước: Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngoài Mỏ Kon Go, huyện Kbang (Gia Lai) ở Kon Tum là mỏ sắt Mo Rai, Sa Thầy; ở Thanh Hóa là dự án Bá Thước, Tập đoàn còn đầu tư sang Lào với mỏ sắt Sê Kông và Campuchia là mỏ sắt Rattanakiri.
Các dự án của CTCP Hoàng Anh Gia Lai ( HAG) tại Lào và Campuchia, lĩnh vực khoáng sản cũng bị đánh giá tiếp tục không như kỳ vọng. Cụ thể, sản lượng khai thác quặng sắt của HAG được điều chỉnh giảm trong báo cáo thường niên 2011 (sản lượng năm 2012 điều chỉnh giảm từ 1,5 triệu tấn xuống còn 300 nghìn tấn, sản lượng dự kiến năm 2013 là 550 nghìn tấn). Kế hoạch khiêm tốn như trên cho thấy HAGL không chỉ gặp khó khăn trong nước. Nguyên nhân chính là do giá khoáng sản trên thế giới liên tục giảm mạnh.
Bỏ cuộc trong ngành bất động sản
HAGL từng là một tập đoàn có tên tuổi lớn trong ngành BĐS với quỹ đất rẻ và rộng, tập trung chủ yếu tại TP HCM. Quỹ đất được HAGL tích lũy từ đầu những năm 2000 đã từng là một lợi thế rất lớn khi thị trường BĐS Việt Nam đi vào giai đoạn thăng hoa cực thịnh 2006-2009. Tận dụng thế mạnh này, HAGL đã phát triển nhiều dự án lớn và thu những khoản lợi nhuận không nhỏ trong những năm 2007-2010.
Tuy nhiên khi thị trường này rơi vào trầm lắng, giá nhà đất rơi mạnh 3 năm liên tiếp (2010-2013), HAGL đã tuyên bố thoái vốn khỏi các dự án BĐS trong nước vì lý do “càng làm càng lỗ” vào năm 2013, theo thông tin trên cafeF.