Tuy nhiên nhiều dự án vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận và các chuyên gia bởi nó có thể phá vỡ quy hoạch của Hồ Gươm.
Dự án Đường sắt số 2 qua Hồ Gươm
Đây là dự án xây dựng ga C9, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, chặng xuất phát từ Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ga C9 được coi là ga quan trọng bậc nhất, giúp kết nối một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, nhịp nhàng của tuyến đường sắt số 2 và một số tuyến đường sắt quan trọng khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Nhà ga C9 - tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ đặt trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. |
Dư luận cho rằng, việc xây ga C9 theo thiết kế quá gần Hồ Gươm là hoàn toàn không nên. Điều này sẽ phá vỡ cảnh quan, không gian cần cho hoạt động xung quanh Hồ Gươm. Nhiều chuyên gia nhận định, cửa lên xuống cho ga C9 nên lùi ra cách hồ khoảng 2 hoặc 3 con phố nữa là tốt nhất. Nhìn từ góc độ của một chuyên gia quy hoạch kiến trúc, với vị trí nằm trong bán kính gần Hồ Gươm như vậy, thiết kế càng đồ sộ, càng cục khối sẽ càng phản cảm, xâm phạm không gian chung. Cần một thiết kế càng đơn giản càng tốt, miễn sao đáp ứng được nhu cầu sử dụng, khai thác mà vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, không phá vỡ cảnh quan...
Về vấn đề này, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lý giải: Không phải như một số người nghĩ rằng, ga C9 nổi trên bề mặt như nhiều công trình khác đang xâm hại Bờ Hồ, mà đây là ga chìm hoàn toàn dưới lòng đất. Duy nhất sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi, hạng mục này sẽ có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp ánh điện lung linh. Còn các bộ phận như ống thoát khí, thông hơi, giàn lạnh, mặc dù đầu tư tốn kém, nhưng sẽ được dẫn đi ra ngoài khu vực Bờ Hồ, nằm trong khuôn viên các cơ quan lân cận. Không những thế, khi nhà ga hoàn thành còn có thể di chuyển các quầy hàng lưu niệm, nhà vệ sinh... đang án ngự, gây phản cảm không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
Dự án tòa nhà 16 tầng gần Hồ Gươm
Hồi cuối tháng 3 năm nay trên một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải những thông tin về việc Hà Nội cho phép Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam xây dựng tòa nhà 16 tầng gần Hồ Gươm.
Trong nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều tác giả đã mặc định về chiều cao quá khổ của tòa nhà này và quy kết đây sẽ là "thủ phạm" phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan khu vực tại trung tâm thành phố Hà Nội. Sự quy kết này đã vô hình chung dẫn tới sự hiểu lầm của dư luận. Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự án này.
Phối cảnh dự án |
Theo quyết định do chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ký ngày 26/3, trên tổng diện tích gần 10.000 m2 đó, sẽ dành 6.353m2 để xây dựng tòa nhà bao gồm 4 tầng đế, 8 tầng thân cộng 1 tum và 4 tầng ngầm. Tổng diện tích sàn xây dựng của công trình sẽ là 49.179m2. Công trình sẽ được xây dựng lùi 6m so với chỉ giới đường đỏ phố Lý Thái Tổ và 4m so với chỉ giới đường đỏ phố Trần Nguyên Hãn. Phần mặt phố, lớp ngoài có quy mô 6 tầng, lớp trong quy mô 8 tầng và tum, lùi so với lớp ngoài là 4m. Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam sẽ tổ chức lập dự án đầu tư và xây dựng công trình phù hợp với Quyết định phê duyệt, tính toán hạ tầng kỹ thuật tại lô đất trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực.
Dự án xây dựng trụ sở Ban quản lý Hồ Gươm
Toà nhà được xây dựng trên khu đất đắc địa số 2 Lê Thái Tổ, có diện tích 242,2m2, diện tích xây dựng là 191,05m2, gồm 4 tầng và 1 tầng chìm. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm. Dự án dự kiến thực hiện từ tháng 3 đến tháng 12/2010.
Sau khi công trình được khởi công, nhiều ý kiến của giới kiến trúc sư và dư luận đã không đồng tình bởi công trình xây dựng ngay sát Hồ Gươm, cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Các nhà sử học và Hội Kiến trúc sư Việt Nam liên tục lên tiếng kiến nghị không nên "bóp méo" thêm cảnh quan khu vực Hồ Gươm nữa.
Phối cảnh tòa nhà văn phòng Ban quản lý khu vực Hồ Gươm |
Như vậy, đây là dự án thứ 2 do UBND quận Hoàn Kiếm triển khai tại Hồ Gươm phải dừng lại do không nhận được sự đồng thuận của người dân. Trước đó, dự án lát đá xanh quanh khu vực bờ hồ chỉ được "thí điểm" một đoạn ngắn cũng vì thiếu sự ủng hộ của người dân.