Vỡ đê liên tiếp ở Nga
Những ngày qua, thành phố Orsk thuộc vùng Orenburg hứng chịu thảm họa khi 2 con đê chắn sông Ural bị vỡ. Vụ vỡ đê đầu tiên xảy ra vào ngày 5/4 khi nước sông Ural dâng lên mức nguy hiểm, chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực. Con đê thứ hai bị vỡ hôm 6/4.
Hơn 4.000 người - trong đó có 885 trẻ em - đã được sơ tán ở Orsk, trong khi hơn 6.600 ngôi nhà bị ngập.
Ảnh: RT. |
Chính phủ Nga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên bang ở Orenburg, nơi Thống đốc Denis Pasler nhận định đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất xảy ra trong khu vực kể từ khi hồ sơ bắt đầu được thống kê. Lũ lụt do vỡ đê đã được ghi nhận dọc theo toàn bộ khu vực ven dòng sông Ural dài 2.400 km.
Trong một bài đăng trên Telegram hôm 7/4, Thị trưởng Sergey Salmin viết rằng “tình hình lũ lụt vẫn rất nghiêm trọng”.
Văn phòng Ủy ban Điều tra ở vùng Orenburg cho rằng ít nhất một trong các sự cố vỡ đê xảy ra là do cơ sở hạ tầng được bảo trì cẩu thả.
Vỡ đê ở Hàn Quốc
Tháng 7/2023, mưa lũ lớn đã khiến cho đê vỡ và xối 60.000 tấn nước xuống gây ngập hầm chui Gungpyeong tại Hàn Quốc.
Cụ thể, vào lúc 8h40 sáng 15/7, bờ bao đê bắt đầu vỡ làm 60.000 tấn nước tràn vào hầm chui ở Osong, thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Sự cố này đã khiến khoảng 15 phương tiện giao thông, trong đó có cả các phương tiện công cộng cùng những hành khách, bị cô lập dưới hầm chui trong tình trạng nước và bùn đất ngày một bao trùm.
Ảnh: Reuters. |
Lực lượng cứu hộ Hàn Quốc cho biết, 13 người đã thiệt mạng trong đường ngầm bị ngập lụt.
Vỡ đê ở Mỹ
Tháng 3/2023, mực nước dâng cao ở sông Pajaro thuộc bang California đã gây ra tình trạng vỡ đê, buộc chính quyền nơi đây phải sơ tán hàng nghìn người dân tới nơi an toàn.
AP đưa tin, chính quyền quận Monterey thuộc bang California trong ngày 11/3 đã phải công bố sắc lệnh cảnh báo và di tản hơn 8.500 người dân, khi dòng nước xiết của sông Pajaro chảy qua nơi đây đã khiến một đoạn đê dài 30m bị vỡ và gây ra tình trạng lũ lụt.
Ảnh: Twitter. |
Vỡ đê ở Trung Quốc, hàng nghìn người sơ tán
Tháng 7/2022, hai trận mưa lớn trút xuống sông Raoyang tại thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, gây lũ lụt trên diện rộng. Đê bị vỡ vào lúc 10h30 ngày 1/8 (giờ địa phương). Chính quyền thành phố Bàn Cẩm đã kích hoạt phản ứng kiểm soát lũ khẩn cấp cấp độ I và điều 2.680 nhân viên cứu hộ, 320 xe vận chuyển và các phương tiện đến hiện trường. Tính đến 19h cùng ngày, tổng cộng có 6.393 cư dân đã được sơ tán an toàn.
Theo Tân Hoa Xã, vào tháng 7/2020, một đoạn đê dài khoảng 50 mét của sông Trường Giang, tại địa bàn huyện Phiên Dương, tỉnh Giang Tây, bị vỡ vào khoảng 20h35 tối 8/7 sau nhiều ngày mưa lũ ở Trung Quốc.
Ngay sau đó, hơn 600 người thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang, cứu hỏa, quan chức địa phương và các đơn vị cứu hộ,...đã được huy động tham gia ứng phó tình trạng khẩn cấp.
Tân An Giang, hồ thủy điện lớn nhất Chiết Giang, phải mở đập tràn xả lũ. Ảnh: THX. |
Tính đến 2h40 ngày 9/7, hơn 9.000 cư dân bị nước lũ đe dọa do vỡ đê sông Trường Giang đã được sơ tán để đảm bảo an toàn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Lũ lụt diễn biến phức tạp tại Australia
Nguồn video: THĐT