Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
1. Cách nhận biết bệnh Cúm gia cầm A/H5N6:
Gia cầm mắc bệnh thường có các biểu hiện: Chết đột ngột hàng loạt với tỷ lệ cao trong đàn không có triệu chứng điển hình hoặc có các biểu hiện khác như: Chảy nước mắt, nước dãi, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất, khó thở, phù đầu và mặt, mắt đỏ, mào và tích sưng to, da tím tái, da chân phần không có lông xuất huyết tím thành vệt, ỉa chảy rất nặng, phân xanh-vàng. Gia cầm kém ăn, giảm sản lượng trứng. Khi mổ khám gia cầm thấy: xoang bụng tích nước hoặc viêm dính; xuất huyết trên bề mặt các cơ và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở dạ dày tuyến và ruột; xoang mũi và khí quản xuất huyết, chứa đầy dịch nhầy.
2. Biện pháp phòng, chống:
- Con giống: Chỉ mua gia cầm ở những cơ sở giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không có bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác; chọn những con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, thực hiện nuôi nhốt cách ly ít nhất 2 tuần.
- Chuồng nuôi và vệ sinh phòng bệnh: Nuôi nhốt gia cầm, không nuôi chung nhiều loại gia cầm; Chuồng nuôi phải luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, dễ vệ sinh khử trùng tiêu độc; sân thả gia cầm phải khô ráo sạch sẽ, có tường bao quanh; Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi (1 lần/tuần) bằng các loại hóa chất như: cloramin, HanIodine, benkocid và vôi bột...; Phân, chất độn chuồng cần được thu gom và ủ với vôi bột trước khi sử dụng; Trước cửa chuồng hoặc cổng ra, vào khu chăn nuôi phải có hố sát trùng. Không cho người và các động vật khác vào khu vực chăn nuôi.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng: Cho gia cầm ăn đủ khẩu phần ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, đủ thành phần dinh dưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y; không sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, thức ăn mang từ các trại gia cầm khác đến. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, các chất điện giải chống mất nước và chống stress.
Cung cấp nước uống sạch trong suốt quá trình chăn nuôi. Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày; Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia cầm, cách ly những gia cầm gầy yếu để chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ riêng. Có chuồng nhốt riêng những gia cầm ốm do các bệnh khác (không phải cúm gia cầm) để điều trị, báo cáo nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết nghi cúm gia cầm hoặc không rõ nguyên nhân.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia cầm theo quy trình chăn nuôi, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm . Chi cục Chăn nuôi và thú y khuyến cáo sử dụng vắc xin Navet - Vifluvac (do công ty Navetco sản xuất) để phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm của tỉnh, cụ thể như sau:
* Tiêm phòng cho gà: Tiêm lần đầu cho gà từ 14 - 35 ngày tuổi trở lên, tiêm phòng 01 mũi vắc xin với liều 0,5ml/con; vị trí tiêm dưới da cổ ở 1/3 phía dưới;
* Tiêm phòng cho vịt, ngan, chim cút: Tiêm lần đầu cho vịt từ 21 ngày tuổi trở lên và phải tiêm nhắc lại mũi 2 sau mũi 1 từ 02 - 03 tuần với cùng liều lượng 0,5ml/con; vị trí tiêm dưới da cổ ở 1/3 phía dưới.
- Khi xuất bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không nên cho người và phương tiện vào trong trang trại để mua bán nếu chưa được sát trùng đúng quy định.
- Thực hiện tốt “5 Không”: Không nuôi thả rông gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; Không ăn thịt gia cầm ốm, chết; Không được giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường.
- Trường hợp phát hiện có gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho trưởng thôn, nhân viên thú y xã và chính quyền địa phương để xử lý theo quy định và khi có dịch cúm gia cầm xảy ra chủ chăn nuôi gia cầm phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y và UBND tỉnh.
Nguồn: VTC 1.