Cuốn sách "Thuật ngữ Tâm lí học Anh-Việt-Đức-Pháp", chú giải tiếng Việt là một sản phẩm hình thành qua nhiều năm biên dịch những cuốn sách lí thuyết tâm lí học (TLH) hiện đại. Trong quá trình ấy chúng tôi bắt gặp không ít thuật ngữ chưa phổ biến trong các tài liệu TLH tiếng Việt. Thực tế ấy dẫn người dịch đến việc tìm tòi từ nhiều nguồn văn bản Âu Mĩ, chủ yếu là các từ điển TLH với văn bản gần đây như Oxford Dictionary of Psychology (2015), APA Dictionary of Psychology (2007, 2018), v.v. và chọn ra những thuật ngữ cần chuyển sang tiếng Việt.
Cuốn sách "Thuật ngữ Tâm lí học Anh-Việt-Đức-Pháp". |
Trong sách này, người biên soạn giới thiệu trên 2000 thuật ngữ về lí thuyết, khái niệm, hiện tượng TLH và một số thuật ngữ triết học, xã hội học có liên quan chặt chẽ với TLH; chú trọng những thuật ngữ chưa có sự thống nhất trong cách dịch tiếng Việt lâu nay, những thuật ngữ chưa được dịch sang tiếng Việt.
Hoàng Hưng chịu trách nhiệm chủ biên, lựa chọn thuật ngữ tiếng Anh (A) và biên dịch tiếng Việt. Nguyễn Viết Dũng chịu trách nhiệm chính trong việc đối chiếu với thuật ngữ tiếng Đức (Đ) và tiếng Pháp (P).
Phần thuật ngữ tiếng Pháp được nhà nghiên cứu Hoàng Lan Anh (sống ở Cộng hòa Liên Bang Đức) giúp xem lại và chỉnh sửa kĩ lưỡng. Phần thuật ngữ tiếng Đức, được nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, dịch giả Nguyễn Văn Thọ góp ý, đặc biệt là được nhà nghiên cứu Hoàng Lan Anh xem lại và chỉnh sửa kĩ lưỡng.
Ngoài ra, còn được nhà Hán học Trần Văn Chánh giúp đối chiếu với thuật ngữ Hán ngữ hiện đại.
Nhóm biên soạn cuốn sách lưu ý, về thuật ngữ tiếng Việt, một số thuật ngữ quen dùng lâu nay được nhóm đề xuất cách dịch khác nhằm đạt được tính hệ thống của nội hàm: sensation: giác cảm, perception (giác tri) là những thông tin được tiếp nhận từ senses (các giác quan) thay cho những từ quen dùng là cảm giác, tri giác; feeling: cảm nhận, perception: tri nhận, cognition: thức nhận (thay cho nhận thức) là ba cấp độ xử lí thông tin của thế giới khách quan.
Một số thuật ngữ khác được đề xuất cách dịch bám sát nội hàm hơn, như: sadism: bạo dục, masochism: khổ dục (bổ sung vào các thuật ngữ bạo dâm, khổ dâm); sexual: tính dục, erotic: dâm dục (cùng với những thuật ngữ quen dùng tình dục, dục tình); process: diễn trình (thay cho quá trình, tiến trình); illusion: giả giác (thay cho ảo giác); psychiatry: tâm thần bệnh học (thay cho tâm thần học); elaboration: tinh thâm hóa, thâm diễn (thay cho tinh chế), variable: biến tố (thay cho biến số)…
Những thuật ngữ chưa có hoặc chưa phổ biến trong tiếng Việt nhóm biên soạn mạnh dạn đề xuất cách dịch, mong được bạn đọc xem xét, góp ý, chúng tôi xin cảm tạ và tiếp nhận để sửa chữa. Ví dụ: Gestalt Psychology: TLH toàn dạng; genetic epistemology: tri thức học sinh-triển; olfactophilia: thân hương dâm; scheme: cấu trúc sơ khai…