Sẽ tàn phá khủng khiếp ngành chăn nuôi
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam sáng 14/9, ông Ken Inui - chuyên gia bệnh lợn của FAO - cho rằng, Việt Nam đang đối diện nguy cơ cao dịch tả lợn châu Phi (ASF) xâm nhiễm.
Bệnh này không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nhưng nếu xâm nhiễm vào Việt Nam sẽ tàn phá ngành chăn nuôi khủng khiếp. Mầm bệnh không những sẽ tiêu diệt đàn lợn mà tự chúng ta cũng phải tiêu diệt đàn lợn nhiễm bệnh này.
Ông Ken Inui cho biết, ASF xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.
Đến năm 2007, dịch bệnh ASF lại xuất hiện tại châu Âu và giờ là Tây Âu. Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh.
Bản thân chủng virus bệnh ASF lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song lợn mắc bệnh ASF lại có tỷ lệ chết 100%. Đặc biệt, sau gần một thế kỷ phát hiện ra, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, vị này cho hay.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh ASF lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tổng số lợn bị bệnh là 47 con, chết 100%, trong tổng đàn có nguy cơ gồm 19.373 con. Ngay lập tức, toàn bộ đàn lợn có nguy cơ lây nhiễm buộc phải tiêu hủy (không con nào được phép giết mổ để tiêu thụ).
Cũng theo cập nhật từ OIE và FAO, tính từ đầu 8/2018 đến 10/9, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh. Tổng cộng, đã có hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Bệnh ASF tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam).
Ứng phó khẩn cẩp
Trước nguy cơ xâm nhiễm cao vào Việt Nam do tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tiến sát biên giới Việt - Trung, ông Ken Inui cho rằng, khi bị lây nhiễm ASF vào một trang trại nào đó thì rất khó nhận biết con mắc bệnh. Bởi, lợn mắc bệnh sẽ chết dần dần một vài con chứ không chết cả loạt.
Theo đại diện của FAO, khi phát hiện ổ dịch, cần cấm buôn bán và tiêu hủy toàn bộ đàn lợn trong phạm vi bán kính 3km. Ông cũng đề nghị Bộ NN-PTNT sớm xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp, thông tin tuyên truyền cho cộng đồng để phòng ngừa dịch bệnh và tránh sản phẩm lây nhiễm được vận chuyển từ nơi này qua nơi khác.
Cơ quan chức năng sẽ tổ chức giám sát chặt tại các cửa khẩu khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển từ các nước có dịch |
Chia sẻ về tình hình bệnh ASF, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội nghị lớn có sự tham gia của 63 tỉnh thành và cơ quan chức năng để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông, nhất là ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta.
Media player poster frame
Theo ông, năm nay thời tiết dị thường, mưa lớn xảy ra khắp 3 miền, rồi nắng nóng kỷ lục, đặc biệt cuối năm nhu cầu vận chuyển sản phẩm chăn nuôi cực lớn để phục vụ thị trường nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh rất cao.
Đối với ASF, đây là bệnh được xác định là khi con lợn đã bị nhiễm thì 100% là chết. Thứ nữa, chủng virus này tồn tại trong điều kiện tự nhiên khá dài, trong khi chăn nuôi lợn đóng một vai trò rất quan trọng trong ngành. Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, đã có 17 nước phát hiện có dịch ASF nên chúng ta phải có phương án phòng chống.
Ngày 30/8, Bộ NN-PTNT đã ra công điện khẩn, Thủ tướng cũng có công điện chỉ đạo đôn đốc các địa phương.
“Chúng ta xác định công tác phòng là chính. Cụ thể, phòng chống xâm nhiễm từ bên ngoài vào như kiểm soát chặt biên giới, từ nhập khẩu trong 17 nước có dịch, từ con đường tiểu ngạch, đường xách tay;... phòng ngừa tại các trang trại chăn nuôi mà người chăn nuôi đóng vai trò chủ yếu”, bộ trưởng nói.
Ông đánh giá, kinh nghiệm thực tế cho thấy, phòng chống bằng cách rắc vôi bột khử trùng chuồng trại là rẻ và hiệu quả nhất. Các trang trại, hộ chăn nuôi cần thực hiện nay biện pháp này, còn với điểm nuôi tập trung cần thiết phải áp dụng phương áp chuyên dụng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan, trước hết cần có thông tin chính xác kịp thời, trong đó cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực để thông báo kịp thời tới người dân.
Ngoài ra, tổ chức giám sát chặt tại các cửa khẩu khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển từ các nước có dịch. Triển khai kiểm tra giám sát tại các chợ, giám sát chặt chẽ việc buôn bán giết mổ tiêu thụ thịt lợn, các sản phẩm của lợn. Thành lập các đoàn công tác thật hiệu quả đi kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành địa phương liên quan đặt ra mục tiêu kiên quyết không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tránh ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp, cũng như thu nhập và đời sống của người dân, nông dân.