Cổ đông PV Oil đã thông qua kế hoạch năm 2020 với doanh thu hợp nhất là 52.200 tỷ đồng, giảm 35% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 376 tỷ đồng, tăng 8%.
Trong quý 1, PV Oil báo lỗ kỷ lục 423 tỷ đồng, kéo theo lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 3 là 1.167 tỷ đồng. Như vậy, 3 quý sau, PV Oil cần lãi gần 800 tỷ đồng để đảm bảo theo đúng kế hoạch đặt ra.
Kế hoạch năm 2020 được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô trung bình ở mức 60 USD/thùng và chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự sụt giảm giá dầu.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 1, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới và trong nước giảm mạnh do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại trên diện rộng và sản xuất bị đình trệ.
Trong bối cảnh đó, sản lượng kinh doanh xăng dầu 5 tháng đầu năm của PV Oil giảm 14% so kế hoạch, riêng tháng 4 giảm 20% khi Chính phủ thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội.
Còn riêng trong quý 1, sản lượng xăng dầu của Công ty giảm 4% so với cùng kỳ và giảm 10% so với kế hoạch đặt ra.
Ông Cao Hoài Dương – Tổng Giám đốc PV Oil cho rằng, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến nửa cuối tháng 2 và trong tháng 3 dẫn đến sản lượng giảm nên giảm so với cùng kỳ, còn so với kế hoạch sản lượng giảm đến 10% do Công ty đặt ra kế hoạch không tác động của dịch.
Nói thêm về vấn đề này, ông Dương cho biết hệ thống 600 cây xăng của Công ty nằm ở các tỉnh, thành phố nhỏ. Thời gian qua do dịch COVID-19, sinh viên nghỉ học, người lao động nghỉ và người dân về quê.
Kết quả, cây xăng ở tỉnh của PV OIL không giảm nhiều, còn những cây ở thành phố giảm đến 59-60%, cá biệt có cây xăng giảm đến 80% sản lượng.
Mặc dù vậy, sản lượng mảng công nghiệp cũng bù đắp một phần cho mảng bán buôn, nên toàn cảnh thì sản lượng PV OIL của quý 1/2020 giảm 4%.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ PV Oil sáng 8/6. |
Theo dự kiến, tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến PV Oil và các công ty trong ngành, trong quý 2 này sản lượng dự kiến giảm đến 12%.
Còn trong 2 quý còn lại trong năm 2020, đại diện PV Oil cho rằng nếu kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch trên đà tăng trưởng thì cả năm 2020 sản lượng xăng dầu của PV Oil sẽ giảm 10%.
Với tình hình tệ hơn, dịch bệnh bùng phát trở lại thì sản lượng của Công ty giảm đến 18%, đây là con số khá khủng khiếp, đại diện PV Oil cho biết.
Còn về tình hình chung của toàn ngành, không có dịch bệnh các chuyên gia dự báo sản lượng tăng trưởng xăng dầu từ 4-5%. Với những tác động COVID-19, khi kiểm soát tốt sản lượng toàn ngành chưa thể tăng trưởng như bình thường, dự kiến sụt giảm 5-7%. Kịch bản xấu xảy ra thì sản lượng sẽ giảm hơn 10%.
Do đó, PV Oil kiến nghị cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị Tổng công ty căn cứ tình hình thực tế, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 vào thời điểm phù hợp.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, sau khi bù đắp khoản lỗ của năm trước, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của PV Oil chỉ còn vỏn vẹn 98 tỷ đồng.
Do đó, Hội đồng quản trị đề nghị phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế chuyển sang năm sau để dự phòng khó khăn do tác động kép từ dịch COVID -19 và sự sụt giảm mạnh của giá dầu.
Cũng trong năm 2020, PV Oil sẽ tiếp tục thoái vốn tại các công ty liên kết hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Xúc tiến thoái hết vốn tại Petec và xử lý triệt để các vấn đề liên quan các nhà máy nhiên liệu sinh học (NLSH).
Công ty tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ và nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh xăng dầu trong năm 2020 trong đó dành 96 tỷ đồng xây dựng mới và cải tạo kho, cảng và 99 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 39 cửa hàng xăng dầu.
Đại diện Công ty cho rằng số lượng kinh doanh của Petec không nhiều nhưng hệ thống kho phong phú, đặc biệt cảng Thị Vải - Cái Mép tại Bà Rịa Vũng Tàu có địa lý tốt kinh doanh kho cảng. Khi biết Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) thoái vốn tại Petec có nhiều đơn vị quan tâm, trong đó có Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, GAS).
Về tiến độ thực hiện, PV Oil và PV Gas đã làm việc với nhau nhưng trong giai đoạn thoả thuận và chưa có kết luận cuối cùng. Sẽ có đấu giá cạnh tranh, để PV Oil có thể chuyển nhượng Petec với giá có lợi nhất có thể.
Hiện tại, hai bên đang tích cực làm việc và khẩn trương chốt lại thương vụ, sớm nhất thì có thể kết thúc trong năm 2020.
Về nguồn cung, PV Oil đang mua xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn. Hai nhà máy này chỉ đáp ứng 75-80% khi chạy 100% công suất trong thời điểm nay, theo đó bên cạnh mua thì Công ty phải nhập để đảm bảo sản lượng cung cấp.
Vào tháng 8 tới, NMLD Bình Sơn sẽ bảo dưỡng định kỳ, Công ty đã lên phương án tăng dự trữ để bảo dưỡng nên không sợ hụt về nguồn cung.