Nhiều hecta đất tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh bị đào bới, cây cối bị đốn hạ. Ảnh: An Phước. |
Ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký công văn khẩn gửi Sở Tài nguyên – Môi trường về việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị Hánh chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo tạm ngừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Việc tạm ngừng này có hiệu lực cho đến khi quy hoạch chung xây dựng đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường báo cáo UBND tỉnh trong ngày 9/5.
Việc tạm ngừng này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban Tỉnh ủy vào sáng 4/5.
Trước đó, báo chí cũng phản ánh, trên địa bàn huyện Vạn Ninh đã xảy ra tình trạng sốt đất chưa từng có. Nhiều khu vực bị giới đầu cơ thổi giá lên từ 10 đến vài chục lần so với thời điểm đầu năm 2017. Đặc biệt là ở khu vực giáp biển thuộc xã Vạn Thạnh.
Ngày 2/5 vừa qua, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cũng có công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.
Liền sau đó, ngày 3/5, thừa lệnh UBND tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng UBND tỉnh có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng mọi giao dịch, chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn.
Ngày 2/5, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang có biện pháp chấn chỉnh. Trong đó yêu cầu các địa phương này không để tình trạng “cò đất”, “xã hội đen” mua bán đất lộng hành. Và nêu rõ Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để tiếp diễn tình trạng trên.