Đêm không ngủ của nữ sinh trong khu cách ly: "Mọi thứ ập đến nhanh quá"

Sớm 8/5, Quỳnh chỉ kịp cầm túi quần áo, mang theo tệp đề cương rồi cùng gia đình tới trạm xá khai báo trước khi vào khu cách ly.

Đêm hôm trước, gần 12 giờ, cả gia đình Quỳnh gồm bố mẹ, bà nội, chị dâu và cháu trai cùng đi lấy mẫu xét nghiệm tại nhà văn hóa thôn ở Mão Điền (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Khi trở về, cả nhà tá hỏa vì nhận được tin anh trai Quỳnh trở thành F0 sau khi tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 tại một bữa tiệc đầy tháng.
Quỳnh không tài nào ngủ được. “Em không biết sắp tới sẽ như thế nào. Em cảm thấy rất rối vì đây là lần đầu tiên em rơi vào hoàn cảnh như thế”, Quỳnh nói.
Sáng sớm, Quỳnh nhắn tin lên nhóm chung của lớp thông báo về việc cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp đã trở thành F2. Nữ sinh cảm thấy được trấn an vì không ai trách cứ, ngược lại còn động viên, cổ vũ và dặn dò bạn nhớ mang theo sách vở để tiện cho việc ôn tập.
Cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh, cả gia đình Quỳnh được xếp chung vào một phòng do có trẻ nhỏ. Đêm đầu tiên ở nơi “lạ nhà”, Quỳnh thao thức vì “mọi thứ ập đến nhanh quá”. Cũng do tâm lý hoảng loạn, nữ sinh không nhớ được hết những vật dụng, tài liệu ôn tập mình cần mang theo.
Dem khong ngu cua nu sinh trong khu cach ly:
Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh, nơi Quỳnh đang cách ly.
“Em vừa nằm vừa lo vì chỉ mang theo một ít đề cương ôn tập của cả 3 môn học. Em tự dằn vặt bản thân rồi lo sợ mọi thứ sẽ không như ý vì sự lơ đễnh của mình”, Quỳnh nói. May mắn, sáng hôm sau, bạn học gửi thêm được vào một ít sách vở. Nỗi lo của Quỳnh tạm thời được giải quyết.
Ở khu cách ly, Quỳnh cố gắng tự xây dựng cho mình một thời gian biểu mới. Thay vì thức khuya ôn luyện như khi còn ở nhà, nữ sinh trường THPT Thuận Thành số 1 tập đi ngủ sớm, khoảng 9h30, để mọi người không bị làm phiền bởi ánh đèn chiếu sáng.
Buổi sáng, khi có tiếng kẻng báo thức vào lúc 5h30, Quỳnh tranh thủ tập thể dục, lấy đồ ăn cho mọi người rồi ngồi vào bàn học.
“Em cố gắng duy trì nhịp độ học tập và tuân thủ mọi tiến độ đã đặt ra. Chỉ có điều, học ở đây khá ồn. Loa phát thanh phát đi liên tục, tiếng trẻ nhỏ, người lớn nói chuyện nên em không mấy tập trung. Em thường tranh thủ những lúc mọi người nghỉ ngơi để ngồi vào bàn học”.
Đến 10 giờ trưa, loa tiếp tục phát đi thông báo đến giờ lấy đồ ăn tại sảnh tầng 1. Sau đó, mỗi ngày hai lượt, nhân viên y tế sẽ đi tới từng phòng để kiểm tra thân nhiệt.
Ở trong khu cách ly, Quỳnh cũng tự giác vệ sinh phòng ở sạch sẽ, tự giặt quần áo và mang rác đi đổ như một cách “giải khuây”. Thi thoảng, nữ sinh nhắn tin cho một vài người bạn trong lớp, đều đặn báo cáo tình hình với cô giáo chủ nhiệm để cô phần nào yên tâm.
Ước mơ thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, nữ sinh đặt nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế Đối ngoại bên cạnh 7 nguyện vọng khác. “Sẽ có nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại, nhưng em hy vọng mình sẽ biến những khó khăn ấy trở thành động lực và đỗ vào ngôi trường mình mong muốn”, Quỳnh nói.
Dem khong ngu cua nu sinh trong khu cach ly:
Cô giáo động viên học trò đang ở nơi cách ly
Cố gắng gấp bội
Cùng lớp với Quỳnh, Tuấn – thuộc diện F2 – nhưng cũng phải đi cách ly vì có biểu hiện ho nhẹ. Được đưa tới khu cách ly ở Bệnh viện huyện Thuận Thành sau khi đến trạm y tế xã khai báo, Tuấn “sốc” vì "không hiểu sao mình lại dính”: “Sau khi tới viện, em mới bình tĩnh hơn”.
Cùng phòng với Tuấn chỉ có 2 người, vì vậy, cậu cũng có không gian riêng để học. “Nhưng do đi quá vội, em không mang theo bất cứ thứ gì. Bố mẹ cũng không biết em cần gì để gửi lên, nên việc học phần nào bị hạn chế vì thiếu tài liệu ôn tập”, Tuấn nói.
Dem khong ngu cua nu sinh trong khu cach ly:
Tuấn đang cách ly ở Bệnh viện huyện Thuận Thành.
Năm nay, Tuấn đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Tòa án. “Lực học của em ở mức khá, do đó vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều. Em dành gần như cả ngày để học. Không được ra khỏi phòng nên nếu muốn giải trí, em sẽ nói chuyện với bạn bè, người thân hay các bác cùng phòng, mỗi ngày vài lần như thế”, Tuấn chia sẻ.
Từ tuần này, cậu cũng được thông báo sẽ trở lại việc học trên Zoom, mỗi tuần 2 buổi. Hơn 1/3 giáo viên trong trường cũng đang phải đi cách ly.
“Thay vì chờ đợi, em tự luyện lại các đề thầy cô phát cho hoặc lên mạng tìm kiếm thêm một vài đề của các tỉnh khác để tham khảo. Em tự động viên mình rằng, đây sẽ là nơi học tập lý tưởng vì không bị làm phiền bởi những thứ xung quanh”, Tuấn nói.
Ở xã bên, khi đang ngồi học, Phương nghe thấy tiếng loa phát thanh của thôn thông báo những ai là người tiếp xúc với Đ.B.T (học sinh Trường THPT Kinh Bắc) lập tức ra khai báo. Dù chỉ đứng gần bạn ít phút, nhưng vì an toàn, Phương vẫn tự giác đi tới trạm y tế xã.
“Các bác bên xã có dặn em cần chuẩn bị tư tưởng, khi có lệnh ở trên sẽ lập tức đi cách ly ngay. Lúc đó em vẫn không nghĩ sẽ đi luôn trong đêm nên chỉ về sắp vài bộ quần áo rồi ngồi vào bàn học tiếp”.
Đến 0h ngày 8/5, loa phát thanh tiếp tục phát thông báo khẩn những người thuộc diện như Phương phải lên xã tập trung, lấy mẫu xét nghiệm rồi đi cách ly. Vì quá cuống, nữ sinh chỉ kịp mang theo máy tính, bút và một vài tờ đề thi.
Ngay đêm hôm đó, Phương được đưa đi cách ly tại Đại học Kỹ thuật Hậu cần CAND - T36. “Vì đi gấp quá nên em thiếu đủ thứ, nhưng may mắn là cô giáo đã gửi cho em một ít sách vở và đồ ăn từ bên ngoài vào”.
Rảnh rỗi, nữ sinh sẽ lên mạng tìm kiếm đề, sau đó tải về điện thoại để tranh thủ làm. Phương cũng hay tương tác với cô giáo qua facebook, nhờ cô gửi thêm đề; sau đó tự làm ra giấy, chụp lại và nhờ cô sửa lại cho.
Ở khu cách ly cũng không có wifi để học, Phương phải nhờ bố mẹ mua thẻ điện thoại, sau đó đăng ký mạng để tải tài liệu về.
“Với điều kiện hiện tại, chắc em cũng không thể học online cùng các bạn được do dữ liệu mạng đăng ký có hạn, không đủ học liên tục 2 tiếng mỗi môn”, Phương nói.
Đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Kinh doanh Quốc tế của Đại học Ngoại thương, nhưng giờ phải đi cách ly khi không có nhiều tài liệu ôn tập, Phương nói mình phải “cố gắng gấp bội, tận dụng mọi cách có thể để nạp kiến thức trong thời gian này”.
*Tên một số học sinh trong bài đã được thay đổi.

Tự cách ly tại nhà, "con đẻ" bỗng hóa thành "con ghẻ"

(Kiến Thức) - Vừa hay tin con mình là F3 hay chỉ cần có dính dáng đến một vùng dịch nào đó là các bậc phụ huynh quyết dọn cơm riêng như đi cách ly.

Tu cach ly tai nha,
Chuyện về quê ăn Tết giữa mùa dịch vốn là vấn đề nhạy cảm hiện nay. Khi sinh viên hay người lao động trở về từ vùng dịch cần thực hiện tự cách ly để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và làng xóm. 

Check-in Phú Quốc, “đại sứ cách ly” Vũ Khắc Tiệp bị réo tên

(Kiến Thức) - "Đại sứ cách ly" Vũ Khắc Tiệp mới đây lại tiếp tục bị gọi tên ngay khi hai ca dương tính với COVID -19 được phát hiện đã ở lại Phú Quốc.

Check-in Phu Quoc, “dai su cach ly” Vu Khac Tiep bi reo ten
Thông tin Việt Nam xuất hiện các ca mắc COVID-19 mới do nhập cảnh trái phép, đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Theo điều tra dịch tễ, hai người này đã đi từ Campuchia đến Phú Quốc và ở lại đây trong ngày 22/3. Ảnh: FBNV

Đọc nhiều nhất

Tin mới