Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), các thông tư, nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua chưa xác định bất động sản là lĩnh vực cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng.
2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn...
Đồng thời người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Do đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn theo tinh thần Thông tư 01.
Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch theo tinh thần Thông tư 01.
Siêu dự án Vinhomes Grand Park, quận 9. |
Kiến nghị cho doanh nghiệp bất động sản giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Vì đối với doanh nghiệp bất động sản, tiền sử dụng đất chiếm tỉ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc doanh thu bị sụt giảm mạnh hoặc không có doanh thu thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Cụ thể, HoREA đề nghị xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 đến 6 năm 2020. Xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp được giãn tiến độ 5 tháng đối với các khoản thu thuế phát sinh từ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Nghị định 20 mà doanh nghiệp chưa nộp, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
HoREA cũng đề nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nhằm bổ sung được nguồn vốn thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo HoREA, trong quý I, cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán, nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%.
Hiệp hội nhận định thị trường bất động sản quý I trầm lắng, trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4 gần như đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.
Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn về tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%. Điều này càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp phải duy trì lực lượng lao động.