Thành ủy thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị thông qua Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa.
Nhiều nội dung được đưa ra thảo luận tại hội nghị này, trong đó, đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa nêu lý do nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa đồng thời đưa ra 2 phương án về tên gọi cho đơn vị hành chính sau khi nhập.
Một góc thành phố Thanh Hóa (Ảnh: M.H). |
Theo đó, phương án 1: lấy tên đơn vị hành chính sau sáp nhập là thành phố Thanh Hóa do nhận diện về thành phố Thanh Hóa trong nước và quốc tế đã khá lâu, được nhiều người biết đến, không gây xáo trộn nhiều về thủ tục hành chính khi nhập.
Phương án 2: là lấy tên đơn vị hành chính mới là thành phố Đông Sơn vì tên Đông Sơn ý nghĩa, gắn với bề dày lịch sử của dân tộc…
Chiều 10/6, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Thành ủy thành phố Thanh Hóa cho biết, trong 2 phương án được đề xuất tại hội nghị, thành phố đề xuất các cấp có thẩm quyền thống nhất lựa chọn phương án 2.
"Hiện Thành ủy đang xin ý kiến qua các vòng về việc đặt tên thành phố sau khi sáp nhập. Sau khi xin ý kiến lần này sẽ đến bước trình Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, xin ý kiến lại cán bộ chủ chốt, cán bộ lão thành, các tầng lớp. Sau đó Ban chỉ đạo tổng hợp lại, báo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nếu được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương, xin ý kiến cử tri thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân…", lãnh đạo Thành ủy thành phố Thanh Hóa cho biết.
Trước đó, ngày 8/3, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị cho ý kiến về dự thảo kế hoạch nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.
Mục đích của dự thảo Kế hoạch nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý của chính quyền địa phương; tăng tỷ lệ đô thị; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Yêu cầu của dự thảo kế hoạch là phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn, phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn lớn…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là một chủ trương lớn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu ngay kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, trong đó cần nêu lên những nội dung, đầu việc, thời gian, mục tiêu cụ thể. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phải xây dựng kế hoạch riêng trong quá trình triển khai xây dựng đề án.