Nhìn nhận sau vụ việc nhóm "quái xế" đâm chết người mới xảy ra tại Hà Nội, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đằng sau những hành động thiếu suy nghĩ của thanh thiếu niên là sự thiếu trách nhiệm của người lớn.
“Nhiều bố mẹ mải lo kiếm tiền, không biết con đang làm gì, đang học gì hay đang ở đâu. Các bạn trẻ mất định hướng nên muốn khẳng định cá tính của mình bằng những hành động mà người khác không dám làm. Đua xe cũng là một trong những cách thức các em thể hiện bản thân”, PGS. TS Trần Thành Nam phân tích.
Nhóm "quái xế" bị triệu tập lên cơ quan công an. Ảnh: Đình Hiếu |
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, cho biết ở giai đoạn vị thành niên, các bạn trẻ bắt đầu mở rộng mối quan hệ xã hội. Nếu cha mẹ không quan tâm định hướng, con cái dễ bị lôi kéo vào những nhóm bạn xấu, tiêm nhiễm hành vi lệch chuẩn.
Ông dẫn chứng trường hợp từng can thiệp tâm lý cho một thiếu niên con nhà giàu tham gia "đi bão". "Chiếc xe bạn ấy dùng đua được tháo hết phanh. Thậm chí mỗi lần trước khi đi, nhóm "quái xế" thường chít sẵn khăn tang. Khi tôi hỏi tại sao biết trước nguy hiểm mà vẫn tham gia, bạn ấy nói: "Cuộc sống không có ý nghĩa. Chỉ khi gần chạm đến cái chết thì lúc đó em mới cảm giác quý trọng sự sống"", PGS.TS Trần Thành Nam kể lại.
Theo ông, trường hợp này cho thấy sự thiếu hụt về mặt tinh thần, thiếu mục tiêu sống của một bộ phận giới trẻ. Nhiều bậc cha mẹ chỉ chú trọng đầu tư tiền bạc cho con cái mà quên mất việc giáo dục, định hướng lối sống, truyền cảm hứng cho con, tạo ra không gian để con chia sẻ, giải tỏa những tâm tư, tình cảm.
"Bố mẹ chỉ đầu tư cho con tiền bạc, thỏa mãn những nhu cầu của con và coi đó là hết trách nhiệm. Do đó, có nhiều bố mẹ bàn giao xe cho con dù chưa trang bị đủ cho con các kiến thức an toàn khi điều khiển phương tiện. Điều này giống như đi bơi, trước khi đẩy con xuống hồ bố mẹ bắt buộc phải trang bị cho con các kỹ năng lặn, ngụp…", PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Luật sư Đăng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc vừa xảy ra tại Hà Nội là bài học cho nhiều bậc phụ huynh thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục và nuông chiều con cái.
"Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của các bậc phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục người dưới 18 tuổi", TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định về vai trò quan trọng của giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, bên cạnh việc giáo dục đại trà, nhà trường cần có chương trình can thiệp chuyên biệt dành cho những học sinh có nguy cơ cao, dễ bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật như "đi bão".
"Nhóm học sinh này cần được sàng lọc, phát hiện sớm và có chương trình giáo dục riêng. Thậm chí, nhà trường cần có những cam kết với các em để hạn chế hệ lụy xấu", PGS.TS Trần Thành Nam kiến giải.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất hình thức "phạt cha mẹ bằng cách đi học lại", áp dụng kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới. Theo đó, khi con trong độ tuổi đến trường vi phạm trật tự an toàn giao thông, cha mẹ sẽ buộc phải tham gia các khóa học kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng hướng dẫn con tham gia giao thông, thậm chí học lại luật giao thông để về dạy lại con.
"Hình phạt này không chỉ giúp cha mẹ nâng cao nhận thức, kỹ năng giáo dục con cái mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của họ trong việc quản lý, định hướng con em mình", ông Nam nhấn mạnh.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trong đó, cha mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi lái, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người... có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.
Ngoài ra, việc giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe cũng sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với xe máy và từ 4 - 6 triệu đồng đối với ô tô.