Lực lượng cảnh vệ diễn tập phương án bảo vệ nguyên thủ. Ảnh: Nguyên Trí |
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và thực tiễn hiện nay cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo Bộ Công an, Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hằng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức Đảng, Nhà nước.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người có vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước; đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân.
Các chức danh này được xác định là đối tượng quan trọng trong hệ thống chính trị theo kết luận 35/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Trong đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm danh mục "các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các chức danh trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo cấp cao khác trong cùng nhóm.
Từ đó, tại dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 chức danh trên vào đối tượng cảnh vệ. Đồng thời, bổ sung các biện pháp, chế độ cảnh vệ với các chức danh này.
Cụ thể, đối với Thường trực Ban Bí thư được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận; được bảo vệ nơi ở và nơi làm việc. Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.