Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử nói chung năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi, sau đó là nhóm tuổi 25-44, tiếp đến là nhóm 45-64 tuổi.
Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa. |
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá mới diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức đáng báo động, có trong cả giới trẻ, trẻ em gái. Ngành công nghiệp thuốc lá đang tuyên truyền coi đây là sản phẩm tốt hơn với sức khỏe so với thuốc lá điếu. Trong khi cơ chế vận hành, tác hại đối với sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới không thật sự giảm hơn so với thuốc lá truyền thống. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp quản lý, xử lý, nhưng việc buôn lậu mặt hàng này vẫn đang diễn ra.
Việc cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới sẽ đi ngược lại với cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và các Kế hoạch, chiến lược về nâng cao sức khỏe tại Việt Nam.
Việc cho phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Trong khi đó, việc thu thuế từ thuốc lá điện tử mang lại cho Nhà nước không đáng kể nếu tính toán, so với chi phí gánh nặng bệnh tật, suy giảm phát triển kinh tế do sức khỏe người dân bị giảm sút, suy giảm chất lượng dân số, giống nòi, môi trường, nguồn lực Nhà nước phải đầu tư cho y tế, môi trường...
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản với nội dung cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Hình thức văn bản là nghị quyết do Quốc hội ban hành.
Trong đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác. Quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới và quy định trách nhiệm của các tổ chức có liên quan.
Hiện Vụ Pháp chế đang xây dựng văn bản liên quan và sẽ dự thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội nhằm sớm có biện pháp quản lý. Dự kiến, nội dung sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2024.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đến thăm nhà máy thuốc lá “trá hình” đẹp như mơ ở Đức: