Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn, năm 1865, có tên gọi Miss Sài Gòn. Không giới hạn trong phạm vi "Hòn ngọc Viễn Đông", cuộc thi còn cho phép những mỹ nhân từ các vùng phụ cận tham dự.
Cuối cùng, vượt qua gần 100 cô gái, vương miện Hoa hậu thuộc về cô Ba Thiệu, còn được biết với tên "cô Ba xà bông", con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh.
Trước vẻ mỹ miều của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc. Họ rất muốn chụp cô trong áo tắm nhưng cô không đồng ý. Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô là phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem.
Người được cho là cô Ba Thiệu, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn. |
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa học giả Vương Hồng Sển cho rằng trong giới huê khôi mà ông được kể lại vào thời Pháp mới đến thì cô Ba Thiệu đẹp không ai bì. "Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Bưu điện", học giả viết.
Là hoa hậu nhưng cô Ba sống bình dị, chân chất của một gái quê. Sau khi đoạt vương miện, cô bỏ lại ánh hào quang phù phiếm, không bị ảnh hưởng bởi ngoại lai. Một thời gian sau, Ba Thiệu lấy chồng.
Sau Ba Thiệu, Sài Gòn cũng nổi lên nhiều mỹ nhân tiếng tăm như Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương… làm si mê bao công tử, không chỉ Sài Gòn mà cả Nam Bộ xưa. Các cô này được cho là ăn chơi phóng khoáng, cặp kè hết người này đến người khác. Họ ăn mặc sang trọng, ngày rong chơi, đêm đi nhảy đầm, đánh bạc bằng tiền những người tình cung phụng. Nhiều người tán gia bạn sản vì theo các cô, trong đó nổi tiếng nhất là Hắc, Bạch công tử của miền Tây.
Hình cô Ba được in lên con tem ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu |
Với Ba Thiệu, nếp sống này không phù hợp. Do xuất thân từ một gia đình gia giáo nên cô được dạy dỗ từ tấm bé, biết giữ ý tứ, truyền thống và văn hóa bản địa.
Tuy nhiên, cuộc đời hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn không được yên bình. Mẹ cô dù lớn tuổi nhưng nhan sắc mặn mòi, bị tên biện lý người Pháp Jaboin ỷ thế làm càn, thường xuyên theo đuổi rồi đưa ra những lời tán tỉnh, trêu ghẹo. Thầy Thông Chánh, cha cô Ba, không chịu được cảnh đó nên một lần đã rút súng bắn chết Jaboin.
Trong Truyện thơ Thầy Thông Chánh do một tác giả khuyết danh ở Trà Vinh sáng tác rồi truyền miệng rộng rãi ở miền Tây, cha cô Ba bắn tên biện lý vào ngày quốc khánh nước Pháp. Thầy Thông Chánh sau đó bị chính quyền Pháp xử tử. Cô Ba Thiệu bị bắt giam rồi tự tử chết.
Nhưng cuốn Hỏi đáp về Sài Gòn – TP. HCM của nhiều tác giả xuất bản năm 2006 lại cho rằng, cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh. Người đẹp lừng lẫy của Sài Gòn xưa dù theo tài liệu nào cũng có một cái kết buồn thảm.
Cục xà bông một thời xa nhớ |
Trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển nói hình ảnh của cô Ba sau này được hiệu buôn xà bông của ông Trương Văn Bền sử dụng làm trên các sản phẩm bán ra thị trường. Hàng bán rất chạy và được hầu hết người Việt mua sử dụng. Cô Ba thành "" đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt. Loại xà bông trong nước này đã đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp thời đó.
Cũng có một số tài liệu khác cho rằng hình người phụ nữ trên miếng xà bông không phải là cô Ba Thiệu mà là cô Ba có tên Trà, vợ của ông Trương Văn Bền. Nhưng với nhiều người Sài Gòn xưa, nhắc đến "xà bông cô Ba" là họ nghĩ ngay đến cô Ba con thầy Thông Chánh - người phụ nữ đầu tiên của Sài Gòn đăng quang hoa hậu.
Ngày nay, người Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy cục xà bông Cô Ba ở những kệ trưng hàng nhỏ bé, khiêm tốn trong một góc siêu thị Co.opmart. Vẫn là một cục xà bông nhỏ bé in hình một phụ nữ Việt Nam với cái vẻ đẹp cổ điển, kiêu sa của thời kỳ đầu thế kỷ trước. Trong cơn lốc cơ man những sản phẩm dầu gội, sữa tắm với những cơn mưa các quảng cáo “bom tấn”, việc sản phẩm xà bông Cô Ba vẫn tồn tại với một sản lượng khá đáng kể hầu như là một điều kỳ diệu.
Cũng là điều dễ hiểu thôi nếu như bạn là người Sài Gòn, ở độ tuổi trung niên, một lần tình cờ gặp lại Cô Ba. Sẽ là xúc động bồi hồi như gặp lại một người thân, một người bạn và cơ man những kỷ niệm của thời thơ ấu. 80 năm và sẽ còn lâu hơn nữa, hương sắc Cô Ba sẽ vẫn còn tồn tại như những tác phẩm văn thơ hay nhạc tiền chiến đối với người Sài Gòn.
Mời quý độc giả xem video: Thời trang của phụ nữ Sài Gòn xưa.