Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao vụ việc một bà mẹ trẻ mắc chứng trầm cảm sau sinh thể nặng, đã giảm 33kg, từ 57kg còn 24kg chỉ sau 5 tháng sinh nở đứa con thứ 2. Đó là bệnh nhân P.T.H (sinh năm 1989, ở Hải Hậu, Nam Định), hiện đang điều trị ở khoa A6 (khoa Cấp tính nữ), bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Chị H. nhập viện khoảng 1 tháng nay với những triệu chứng rất điển hình, như: lẩn thẩn, không nói, không ăn uống, mất ngủ, chống đối điều trị…, thậm chí có ý định tự tử.
Chị H. mắc chứng trầm cảm sau sinh thể nặng |
Những ngày đầu các bác sĩ đã phải dùng biện pháp trộn thuốc vào sữa và cho ăn qua đường xông. Sau đó bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp kích từ xương sọ - phương pháp điều trị trầm cảm mới nhất hiện nay và đã có những tiến triển tích cực.
Trầm cảm tồn tại ở 3 thể, nhẹ, vừa và nặng, có thể chỉ là hiện tượng thoáng qua hoặc kéo dài. Tuy nhiên giai đoạn đầu rất khó phát hiện. Có đến 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh có ý định tự sát. Theo thống kê, số phụ nữ sinh đẻ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh chiếm 0,15%. Sự thay đổi về nội tiết sau sinh; thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch; mâu thuẫn gia đình hay những khó khăn cá nhân gặp phải; cũng như yếu tố di truyền… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.
Làm sao để chị em “tránh xa” bệnh trầm cảm sau sinh?
Những phụ nữ sau sinh bị mắc chứng trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của chính bản thân mà còn tác động không nhỏ tới gia đình, người thân, mà đặc biệt là với đứa trẻ của mình.
Lời khuyên giúp chị em không mắc chứng trầm cảm sau sinh |
Để tăng khả năng loại bỏ được chứng trầm cảm sau thời kỳ sinh nở, chị em cần tuân thủ những lời khuyên hữu ích như sau:
• Chuẩn bị tâm lý tốt cho việc sinh nở. Đó là ý thức chăm sóc tốt bản thân và thai nhi trong cả thai kỳ, luôn tạo cho mình một tinh thần thoải mái, có lối suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh.
• Luôn thể dục thường xuyên trước và sau sinh. Những phương pháp thể dục phù hợp sẽ làm cho cơ thể bạn luôn luôn khoẻ mạnh và thư thái, không còn tình trạng mệt mỏi, ủ dột.
• Sắp xếp người giúp đỡ khi sinh. Bởi vì sau sinh sẽ có vô số những việc không tên cần phải làm cho bé, cũng như các công việc khác. Bạn cần có người giúp đỡ mình việc nhà và chăm bé để bạn có thời gian nghỉ ngơi tối đa, giúp lấy lại sức khoẻ, tránh tình trạng mệt mỏi, căng thẳng.
• Có chế độ kiêng khem hợp lý và khoa học. Sau sinh bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên về việc kiêng cữ. Tuy nhiên, đừng quá kiêng khem trong ăn uống cũng như sinh hoạt mà cần có một chế độ khoa học. Đó là một vấn đề rất nhỏ nhưng nó sẽ ảnh lớn đến tâm lý và sức khoẻ của bạn.
• Hãy “nuông chiều” bản thân bằng cách dành thời gian thư giãn cho riêng mình. Bạn hãy cố gắng sắp xếp thời gian và công việc để vui chơi, gặp gỡ bạn bè ở bên ngoài. Đừng quá “miệt mài” chăm con cả ngày ở nhà khiến cho đầu óc của bạn trở nên căng thẳng.
• Dành thời gian trò chuyện với con. Chẳng có gì hạnh phúc hơn khi được nắm tay con và thì thầm những lời yêu thương với thiên thần nhỏ. Càng gần con, bạn sẽ càng thấy yêu con nhiều hơn và những khó khăn trong giai đoạn này sẽ có cảm giác tan biến.
3 triệu chứng nhận biết sớm chứng trầm cảm:
- Khí sắc giảm, buồn rầu, tình trạng buồn chán này kéo dài trên 2 tuần.
- Giảm nhiệt tình, giảm hứng thú, không còn ham muốn với những sở thích trước kia.
- Giảm năng lượng: Người mệt mỏi, làm bất cứ việc gì nhỏ nhẹ cũng thấy mệt. Mệt mỏi tăng về buổi sáng.
Ngoài ra, còn có các triệu chứng phụ, như: Cảm thấy bi quan, chán nản về tương lai, tiến độ, giảm lòng tự trọng, tự tin, có những ý tưởng và hành vi tự sát, chán ăn, không muốn ăn, có những người từ chối ăn, rối loạn giấc ngủ có tính chất tăng dần...