Đại biểu Phan Thái Bình. Ảnh: Quân Minh. |
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội từ Quảng Nam đặt câu hỏi: “Tại sao các vụ bạo lực chủ yếu diễn ra tại bệnh viện công, chủ yếu tại các trường hợp cấp cứu?”
“Có ý kiến cho rằng người nhà bệnh nhân chưa hiểu hết quy trình cấp cứu, nên đề ra các yêu sách bác sĩ, làm trái quy trình. Tuy nhiên, cùng quy trình đó sao lại không xảy ra bạo lực ở các bệnh viện tư? Ngành y cũng cần xem xét lại, cần thay đổi chính mình hơn là tăng cường bảo vệ y bác sĩ”, ông Bình nói.
Đại biểu Bình cũng băn khoăn tình trạng thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng bán tràn lan, khó quản lý.
“Từ vụ Vinaca, bán thuốc ung thư giả của VN Pharma, người dân rất trông chờ vào cơ quan quản lý Nhà nước. Thuốc chữa bệnh khác các loại thực phẩm khác, trách nhiệm của ngành y tế là rất lớn. Người dân có hoài nghi nhưng khi vào bệnh viện cũng phải chấp nhận sử dụng”, ông nói.
Ông đề xuất ngành y cần phải chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân ở bệnh viện, không chấp nhận bác sĩ giỏi nhưng thờ ơ với bệnh nhân. Cần tăng cường công tác đánh giá, kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chấn chỉnh các cuộc thi sắc đẹp
Về lĩnh vực văn hóa, đại biểu Phan Thái Bình cho biết thực trạng hiện có một số chương trình quảng cáo, phim ảnh truyền thống, một số hình ảnh phản cảm, tranh cãi vô bổ, trái thuần phong đang tồn tại. Từ đó tác động xấu đến truyền thống, đạo đức xã hội, việc hình thành đạo đức xã hội, việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Qua đó ông yêu cần phải chấn chỉnh.
“Việc xét thưởng các giải thưởng văn học nghệ thuật cũng còn nhiều bất cập, cần giảm thiểu thủ tục hành chính cho nghệ sĩ, tác giả. Siết chặt tiêu chí xét giải với các tác phẩm, tránh cào bằng, giảm giá trị uy tín giải thưởng. Cần đánh giá đúng tác giả, tác phẩm để khuyến khích văn hóa nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm lớn, chất lượng, phục vụ cuộc sống, công cuộc đổi mới”, ông nói.
Đại biểu Phan Thái Bình băn khoăn về tình trạng hành hung bác sĩ tại các bệnh viện công. Ảnh: Lao Động. |
Ông Bình cũng lưu ý việc cấp phép lưu hành tác phẩm nghệ thuật cũng còn nặng thủ tục hành chính. Cần phải chấn chỉnh để thống thoáng thì để tác phẩm dễ đến với công chúng. Cái gì không trái thuần phong mỹ tục, không bị pháp luật cấm, cần tạo điều kiện tác phẩm đó lưu hành. Ông cũng lưu ý cần thận trọng để không phải tác phẩm nào cũng được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vị này cũng yêu cầu chấn chỉnh các cuộc sắc đẹp, không phải cơ quan nào cũng có thể đứng ra tổ chức.
Đầu tư hệ thống nhà trẻ cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi
Về giáo dục, đại biểu Bình nhấn mạnh đến vấn đề bạo lực trong nhà trường cần phải xem xét, nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân thấu đáo.
“Việt Nam cũng tham gia công ước quyền trẻ em, sự quan tâm của Nhà nước cần được thể hiện nhiều hơn. Các gia đình rất đau đầu khi tìm chỗ gửi trẻ em ở đâu. Phụ nữ sinh con 6 tháng phải đi làm. Trẻ em 6 tháng phải xa mẹ. Nhà trẻ thì chỉ nhận trẻ em từ đủ 1 tuổi, chủ yếu lại do tư nhân mở. Các cơ sở Nhà nước thì không có, mẫu giáo thì nhận đủ 36 tháng tuổi”, ông nói.
ĐBQH băn khoăn về tình trạng thiếu nhà trẻ trên cả nước hiện nay. Ảnh: Tùng Tin |
Tranh luận về nguyên nhân bạo lực bệnh viện mà đại biểu Phan Thái Bình vừa nêu, bà Phan Thị Kim Yến, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho rằng cần phải xem xét nguyên nhân y bác sĩ bị hành hung một cách khách quan hơn, tránh việc cử tri có sự phân biệt. Nữ đại biểu Quốc hội nói bệnh viện công hiện nay chiếm đa số, tất cả đều trong tình trạng quá tải, còn số bệnh viện tư rất hạn chế.
Áp lực lớn nhưng thu nhập cán bộ y tế tại các bệnh viện công rất thấp. Nếu nhân viên y tế ở bệnh viện công có tổng thu nhập trên dưới 5 triệu đồng thì thu nhập tại các bệnh viện tư có thể từ 30 đến 50 thậm chí 100 triệu đồng. Bà Yến nói không phải vì lương thấp mà trách nhiệm thấp nhưng đó là yếu tố cần xem xét khi phân tích nguyên nhân.