Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) ghi nhận những thành tựu đạt được song thẳng thắn nói rằng, Cử tri đòi hỏi Chính phủ cần làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra.
Đặt vấn đề về suy thoái về đạo đức, kỷ cương chưa nghiêm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói rằng: “Thời gian qua đã xảy ra những chuyện động trời, khó tin, hành vi mất nhân tính: Dùng than tre làm thuốc chữa ung thư, cô giáo bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, hiện tượng bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non…Cử tri lo lắng và tâm tư rằng "ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa ”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Quochoi.vn |
Cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên “do đạo đức xuống cấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chuyển kiến nghị của cử tri rằng “Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị ngăn chặn, đẩy lùi hành vi mất nhân tính như trên càng sớm càng tốt”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết, cử tri phấn khởi kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn tâm tư với những việc làm thất thoát ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.
“Tình trạng thực hiện sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách, đất để qua nhiều năm không sử dụng, trong khi nhân dân không có đất để sản xuất. Tình trạng dự án treo vẫn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ, chọn đất vàng để chuyển nhượng làm lợi cá nhân nhưng lại thất thoát tài sản nhà nước. Trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh, nếu xây dựng ngôi nhà mất 650 triệu đồng, trong khi nhà nước xây khoảng 1 tỷ đồng mà chất lượng không bằng của người dân”, ông Nguyễn Hữu Cầu nói.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói rằng, tình trạng quản lý yếu kém, gây thất thoát lãng phí như 12 đại dự án là một ví dụ nhãn tiền. Gần đây thì xuất hiện thêm những vấn đề xung quanh các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, cá biệt như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỉ lên 2.595 tỉ đồng. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rốt ráo để giải quyết các vấn đề này.