Dậy sóng clip ôn thi đại học như học vỡ lòng

Dậy sóng clip ôn thi đại học như học vỡ lòng

Đoạn clip có độ dài gần 3 phút ghi lại cảnh nhộn nhạo, chen chúc, ồn ã... trong một phòng học rất đông đúc. Clip được tung lên mạng cách đây một ngày nhưng lượng truy cập và phản hồi xung quanh clip liên tục tăng lên.

Hình ảnh cắt từ clip, ghi lại cảnh chen chúc trong phòng luyện thi đại học tập đọc ê a
 Hình ảnh cắt từ clip, ghi lại cảnh chen chúc trong phòng luyện thi đại học tập đọc ê a

Theo đó, clip ghi lại hình ảnh lò luyện thi ĐH môn văn tại Hà Nội. Tại lò luyện thi này gần 1000 em học sinh đang ê a đọc theo một giáo viên. 

Mỗi buổi học kéo dài 4 tiếng nhưng học sinh không cần ghi chép mà chỉ cần đọc theo một đề văn cho sẵn. Điều đặc biệt là học sinh lại rất hứng thú với phương pháp dạy học này. Lớp học chặt chội tới mức không có lối ra khiến các em phải trèo lên bàn, bước qua đầu nhau.

Clip xuất hiện làm nóng cộng đồng mạng với những quan ngại sẵn có về giáo dục. 

Có nhiều thành viên dường như quá bức xúc bởi những phương pháp dạy học mà họ cho rằng "vì tiền".

Thành viên Tranquochuy là một trong số nhiều những người phê phán cách học vẹt này, quan điểm: "Cách học như trên cho ta thấy, thầy giáo không có một chút kiến thức nào, khả năng chỉ là một người biết đọc chữ được thuê đứng lên bục giảng và móc nối với những lò luyện thi nghĩ cách kiếm tiền từ học sinh; Khi học như thế này mà học sinh cũng cố mà đi luyện "đọc" thì đầu óc của những học sinh này cũng chẳng có một chút kiến thức nào khi đến trường học. Bộ GD&ĐT cần phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, kiểm tra giấy phép của các trung tâm luyện thi này. Không thể để tình trạng những lò luyện thi như thế này nhan nhản ở Hà Nội"

Đặc biệt với sự xuất hiện của clip này, gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều người đã, đang công tác trong môi trường sư phạm. Hầu hết họ không đồng tình với phương pháp dạy học như trên. 

Thành viên Minh Anh chia sẻ 'tôi là một giáo viên dạy Văn, sau khi xem xong video này tôi thật sự rất bức xúc, chua xót. Phải nói rằng người dạy không có tâm đức của một người thầy. Học văn mà học vẹt, như cái máy thế này không trách được tại sao thời gian gần đây điểm văn sử lại lẹt đẹt, rồi học sinh "râu ông nọ cắm cằm ba kia", thật đáng buồn.

Nickname  LeTin ủng hộ thái độ tự học, tự trau dồi kiến thức, "chuyện này có lâu rồi! Tôi biết một số em nghe và theo phong trào đi học theo kiểu "phản giáo dục" ghê gớm này. Tôi đã khuyên các em đấy rằng, đừng bao giờ nghe theo tin đồn hay phong trào khi nó chưa được kiểm chứng là đúng; Đừng nghe nói cô này, thầy nọ dạy giỏi,...mà đi học theo kiểu như thế! Bởi nếu thật sự cô thầy đó dạy giỏi thì bằng chứng đâu? Đối với cách học kiểu vô lý như thế này, tôi thấy chỉ có ở các thành phố lớn là chủ yếu. Tôi hỏi em nào cũng bảo thầy cô đó giỏi này nọ nhưng thực tế thì học sinh phần lớn đỗ đại học với điểm cao là ở các vùng quê chứ có phải học sinh của mấy thầy thẩy cô kiểu này đâu. Nơi mà sự tự học và học thực chất với năng lực lên ngôi! Họ chả phải mệt mỏi với cách học kiểu "khủng bố" như thế này!!! Họ cũng không bị tiếng đồn, không có phong trào và những chiêu quảng cáo thầy này, cô nọ!!!

Thành viên nữ tên Minh Trang cũng chia sẻ từ vị trí là người đứng trên bục giảng, chị không tin vào hình thức giảng dạy này: "Thật ko thể tin nổi, bản thân tôi cũng đã từng là một hoc sinh lớp văn và bây giờ là một cô giáo, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cách dạy và học lạ lùng đến như vậy. hơn nữa đề văn thi đại học trong những năm gần đây chủ yếu theo hướng mở, đề cao cái tôi cuả ngươi viết,. Thứ hỏi với cách dạy và học như vậy thì sẽ có bao nhiêu em học sinh có thể đỗ đại học chứ?"

Lò luyện thi đông đúc chặt chội
 Lò luyện thi đông đúc chặt chội

Tuy nhiên, thực tế số học sinh tự học và tự trau dồi kiến thức cơ bản vững vàng cho mình từ bậc phổ thông thì không phải nhiều. 

Thành viên NamCuong trên một diễn đàn giáo dục chia sẻ có phần cảm thông hơn: "Hiện nay, ngoài những học sinh quá giỏi ra thì những người còn lại muốn đỗ đạt trường cao tất nhiên phải đi học ở lò luyện thi. Thực tế, theo kinh nghiệm của mình, chỉ có học "lò" mới đỗ được đại học. Thầy ở đó giảng giải mọi thứ, kể cả phương pháp học lẫn kiến thức. Các thầy ở trường thì giấu "tài", đi dạy thêm mới có tiền để sống. Vậy nên học ở trường thì chỉ đủ để đỗ tốt nghiệp, chứ còn thi đại học thì nó lại là một vấn đề lớn"

Có nhiều thành viên tự nhận rằng mình đã học ở trung tâm thì thấy thích thú với phương pháp dạy này, vì họ được học thuộc và nhớ ngay trên lớp. 

Lamgiatrang cho rằng, "phải nhìn cả 2 mặt của vấn đề, đây chỉ là những buổi tổng ôn cuối cùng thôi. Hãy xem lại nền giáo dục của Việt Nam, Mục đích cuối cùng thì vẫn là thi và đỗ, vậy cách học này chẳng có vấn đề gì, không vi phạm quy chế thi là được".

Có lẽ trước khi học sinh được các chuyên gia giáo dục hàng đầu chỉ lối thì họ phải tự tìm lối đi riêng cho mình theo kiểu 50/50, thà thử vào những lò luyện thi này mà may mắn thi đỗ đại học còn hơn ngồi một chỗ và biết chắc rằng có thi cũng không được gì. Thành viên Chanthanhnhat chia sẻ.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Dịch vụ chứng nhận nhà không có ma

Dịch vụ chứng nhận nhà không có ma

Hai sinh viên đến từ Thái Lan đã nghĩ ra một chiến lược kinh doanh sáng tạo – ngủ trong những ngôi nhà và căn hộ có vấn đề để chứng nhận rằng chúng không có ma.