Kỳ 2: Dấu tích tàn khốc
Theo lời kể của cựu binh Đặng Việt Châu, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356, mặt trận Vị Xuyên, khốc liệt nhất vẫn là các trận đánh ở các cao điểm 772 và 685. Tuy không phải cao nhất trong một loạt các đỉnh nằm trên dãy núi chạy dọc biên giới, nhưng đó là 2 đỉnh núi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có thể khống chế cả một vùng rộng lớn của tỉnh Hà Tuyên cũ. Chính vì vậy, cuộc chiến biên giới đó diễn ra cực kỳ khốc liệt, ta và địch giằng co nhau từng mét đất.
Kể về những khó khăn, gian khổ, hy sinh của những người lính ở mặt trận Vị Xuyên, cựu binh Đặng Việt Châu nghẹn lời và phải lau nước mắt khi nhắc lại kỷ niệm về các đồng đội và những địa danh một thời khói lửa ấy.
Trận đánh ngày 12/7/1984 tại 772, tuy chúng ta chưa giành được thắng lợi với những mục tiêu đã đặt ra vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lại cho lính Trung Quốc biết thế nào là tinh thần chiến đấu gan dạ, ý chí kiên cường bảo vệ từng tất đất Tổ quốc của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc chiến trên 685 diễn ra ác liệt nhất là từ tháng cuối năm 1984 cho đến tháng 3/1985, chúng ta đã giành được những thắng lợi, mở ra cơ hội mới và giành thế chủ động trên toàn chiến trường.
Lúc đó, quân Trung Quốc đã có 1 tiểu đoàn đóng trên E1, mỏm cao nhất của cao điểm 685. Tháng 10/1984, ta bắt đầu tiến hành vây đánh lấn dũi, đào công sự, kết hợp tổ chức các đợt tiến công, vừa đánh vữa giữ để giành lại các vị trí đã bị Trung Quốc lấn chiếm. Trung đoàn 153 của Sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ tiến công.
Ngày 23/10, ta và địch chọi súng đầu tiên ở mỏm E4. Các trinh sát của Trung đoàn 153 đi thực địa chiến trường đã phát hiện một tốp lính Trung Quốc trên E1 tràn xuống, liền nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng. Quá bất ngờ, quân Trung Quốc nhanh chóng vứt bỏ súng ống tháo chạy. Liền sau đó, ta đưa vào một trung đội do Trung đội trưởng Nguyễn Tứ Hải chỉ huy, tiến hành đào hầm, xây công sự, án ngữ ở đấy.
Các mỏm E2, E5 cũng lần lượt có người của ta lên chốt giữ. Trung đoàn 153 lên kế hoạch, chuẩn bị trận địa, quyết tâm lấy bằng được mỏm E1, đẩy địch ra khỏi cao điểm 685. Tuy nhiên, quân Trung Quốc nhanh chóng phát hiện ra kế hoạch của ta, tổ chức hàng loạt đợt tấn công để lấn chiếm lại.
Trên đỉnh một ngọn núi nhỏ, suốt mấy tháng trời, cả ngàn quân hai bên giành giật nhau từng mét đất, đấu pháo, đấu súng, thi gan đủ các kiểu. Có những lúc ta và địch cách nhau chỉ vài mét. Các công sự, bãi mìn, các ụ bắn tỉa san sát, đan xen lẫn nhau, và binh lính hai bên nếu ló mặt ra ngoài, vài giây đã thành…liệt sĩ.
Dấu tích tàn khốc của cuộc chiến năm xưa. |
Trở lại với chuyến đi thăm lại chiến trường xưa sau 32 năm của các cựu binh Sư đoàn 356. Từ hang Làng Lò, cựu binh Phạm Xuân Thanh quyết định dẫn đoàn đi theo đường dây liên lạc hữu tuyến của ta hồi trước, men sườn đông của hang, vượt qua bãi Cửa Tử (trước quân Trung Quốc suốt ngày nã pháo vào địa điểm này để cắt đường tiếp tế lên cao điểm 685, nên nhiều người vẫn gọi là bãi Cửa Tử), sang sườn tây của 685 và men theo các lèn đá leo lên phía trên.
Ông Thanh bảo, đó gần như là con đường chủ đạo để chuyển người, vận chuyển lương thực, súng đạn tiếp tế cho các trận đánh trên "Lò vôi thế kỷ", thời gian khốc liệt nhất từ cuối năm 1984 cho đến tháng 3 năm 1985. Lẽ ra còn có 2 con đường khác để lên 685, một đường từ đỉnh 772 đi vòng qua, nhưng địch đã khống chế, một đường từ cao điểm 468 đi lên, nhưng con đường này một phần bị pháo bắn đêm ngày, nằm trong tầm khống chế của các ụ súng bắn tỉa, lại phải leo những con dốc dựng đứng, nên ít khi sử dụng đến.
32 năm, dù màu xanh đã phủ kín trên "Lò vôi thế kỷ", nhưng nếu nhìn kỹ hơn một tý, chúng tôi vẫn nhìn thấy những phiến đá bạc phếch, những vết lồi lõm, nứt nẻ, vết tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu.
Vuốt mồ hôi chảy nhễ nhại trên khuôn mặt, cựu binh Phạm Xuân Thanh chỉ vào một hang sâu hun hút, nằm gọn dưới vách đá, thấp thoáng giữa những tán cây. Dưới ánh đèn pin, cảnh vật trong hang dần hiện ra, phía dưới là đất mủn, vẫn còn những chiếc võng, mảnh ni lông, những vật dụng tùy thân của các chiến sĩ, cùng một số que hương cháy dở còn găm trên những vách đá. Hang này là nơi tập trung những chiến sĩ đã bị thương hoặc đã hi sinh trên cao điểm 685, chờ ngày chuyển về tuyến sau.
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền chắp tay trước ngực gọi lớn: “Các anh em còn ở đây, xin hãy lên tiếng để chúng tôi đưa về, Hà Giang đã ngừng bắn từ lâu rồi các anh em ạ!”. Gọi mãi, chỉ là tiếng dội vào vách đá. Không gian yên tĩnh đến lặng người, ông Quyền khóc lớn: “Đồng đội tôi đã hòa vào đất đá, hòa quyện với núi non, không bao giờ trở về nữa…”.
Dọc đường lên đỉnh "Lò vôi thế kỷ", mọi lối đi, mọi ngóc ngách không thiếu nhưng quả cối, đạn pháo nằm la liệt dưới chân, hay gắn chặt trên những vách đá, còn nguyên cả linh kiện, ngòi nổ, “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt 32 năm. Những người lính công binh đi cùng đã phải rất vất vả để mở đường cho chúng tôi tiến lên. Dẫu biết rằng cực kỳ nguy hiểm, nhưng các cựu binh Sư đoàn 356 vẫn quyết tâm bằng mọi giá phải đến được những chiến địa cũ của mình. Phải như vậy, họ mới có thể thanh thản.
Cựu binh Phạm Xuân Thanh cho biết, đó là còn chưa kể đến hàng ngàn quả mìn được chôn dưới lòng đất, hay trước những công sự, chiến hào.
Theo ông Thanh, quân Trung Quốc quyết tìm mọi cách triệt tiêu đường thông tin liên lạc và vận chuyển lương thực của ta lên 685. Suốt một dải từ hang Làng Lò lên "Lò vôi thế kỷ", địch giã pháo suốt đêm ngày, không biết bao nhiêu chiến sĩ vận tải đã ngã xuống để có thể tiếp tế được những nắm cơm, những chai nước ít ỏi lên tuyến đầu.
Ở các trận địa trên 685, dù chênh lệch về lực lượng, lại phải chịu cảnh đói cơm, thiếu đạn, có khi cả tuần không có nổi một ngụm nước, miếng cơm vào bụng, nhưng các chiến sĩ vẫn kiên gan bám trụ, quyết giữ trận địa, không để quân Trung Quốc lấn chiếm thêm dù chỉ một mét đất.
>>> Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):