“Mấy tháng nay em bị âm tiền rồi chị ơi”, “mới nửa tháng mà trong ví em chỉ còn 2 triệu đồng”, tin nhắn của đồng nghiệp khiến tôi đồng cảm.
Chồng hoảng hốt khi vợ lấy thêm tiền chi tiêu (Ảnh minh họa) |
Tôi cũng chẳng khác gì, ngày qua mới lấy thêm tiền từ chồng và bất đồng vợ chồng từ đây được bung ra.
“Đầu tháng anh đã đưa đủ tiền ăn rồi mà, sao mà nhanh hết thế”. Tự ái trong tôi nổi lên “anh làm như em chi tiêu lãng phí ấy” rồi tôi kê tất tần tật các khoản chi tiêu. Trừ các khoản cứng điện, nước, mạng thì phát sinh thuộc về ăn uống, tiêu dùng thiết yếu.
Con cái ở nhà cả ngày, không mua kẹo bánh, sữa đầy tủ cho chúng thì làm sao yên tâm đi làm được. Mùa dịch bệnh, phòng tránh có gì tốt hơn ăn uống đủ chất, thế là tiền đi chợ cũng phải tăng gấp 2, 3 lần.
Thấy mọi người rục rịch đi mua đồ tích trữ, tôi cũng nhanh tay mua ít đồ khô, dầu ăn nước mắm dự phòng. Chưa kể, có mấy người bạn con đau chồng ốm phải gửi tiền đi thăm. Riêng cái khoản phát sinh ngoài ý muốn là xe máy tự nhiên không nổ được, phải ra tiệm kiểm tra, thế là bay vèo 2 triệu đồng cho thay thế đủ loại từ bình điện, vỏ lốp, dây thắng sau những tháng ngày không được bảo dưỡng.
“Đấy, anh thấy chưa, em có mua sắm chưng diện gì cho bản thân đâu mà anh bảo em chi tiêu nhiều ít. Có giỏi thì từ tháng sau, em đưa tiền anh đi chợ”, tôi bực bội bỏ đi.
Đưa nỗi bực dọc tâm sự với bà giáo già hàng xóm, vừa nghe tôi nói, bà vừa khoan thai dọn dẹp tủ đồ. Tôi ngạc nhiên khi thấy tủ bếp nhà bà có mấy gói mì tôm, dầu ăn cũng chỉ có 1 chai đã vơi đi quá nửa, gia vị chẳng phải đầy ắp giống kệ bếp nhà tôi.
Quay lại nhìn tôi, bà cười: “Có mượn tiền không? Bà cất tiền chứ chẳng cất gạo ga muối mắm như tụi bay”. Từng lời bà nói, tôi ngỡ ra như lần đầu tiên đi học vỡ lòng. “Đàn ông chỉ biết khen chê nhưng chẳng bao giờ quan tâm đến món đó đắt hay rẻ. Không có cá hồi thì cá trích cá nục cũng xong bữa đủ chất. Không có loại sữa tốt nhất, con cái vẫn phát triển nhưng cuối tháng hết tiền thì có yên? Như bà với ông nhà, lương hưu có 6 triệu đồng mà tháng nào cũng phải dôi dư vài triệu. Nói tụi bay đừng giận, tuổi trẻ bây giờ tiêu pha ào ào, thu nhập bình dân và mức sống tầm cỡ đại gia…”.
Những điều bà nói tôi nghe nhột nhột. Nhìn cái cách chi tiêu của mình tôi thấy nó sai sai. Đúng là cái đáng tích trữ thì không tích mà cái đáng không lại chật nhà. Thức ăn tươi ngon giờ phải rã đông ăn dần cho hết tháng, rau cũng phải bỏ đi một nửa vì úa vàng.
Kẹo bánh của con thì cái ăn cái ăn cái vứt, tính ra mua lẻ vẫn rẻ hơn. Mùa dịch vẫn phải đi làm nhưng xe hết xăng thì vét hết túi này sang túi khác, lại la con trút giận lên chồng.
Đầu tháng xông xênh, cái gì cũng thấy cần mua cần sắm. Thấy cái áo đẹp, giày xinh lại trong thời kỳ giảm giá sâu thì xuýt xoa “không mua cũng uổng, biết khi nào mới có lại hàng” rồi đặt hàng cho chồng, cho con.
Cái tật của tôi là tiền bạc bỏ mỗi bóp một ít, tiện cái nào cầm cái đó, chỉ khi cầm lên toàn tiền lẻ mới cuống quýt lục lọi, kiểm xem còn ít hay nhiều. Nhiều tháng cũng bị âm tiền nhưng may mắn là tôi có thể xoay xở.
Khi thì nhận việc về nhà làm, khi thì kiếm được một hợp đồng béo bở vào cuối tháng. Trong suy nghĩ đơn giản của tôi “tiêu được thì làm được” “làm được thì tiêu được”. Nhưng đó là trước đây. Còn hiện tại, tôi và chồng đang đứng trước nguy cơ thiếu việc dài dài.
Dịch bệnh khiến cho những chuyến chạy xe đường dài của chồng ngắn lại, tuyến cũng ít hơn. Công ty của tôi cũng khan hiếm nguồn hàng, một số mối quen làm ăn thì tạm thời cầm chừng, cắt giảm biên chế. Tính lui tính tới 1tháng cả vợ cả chồng bây giờ chưa đầy 10 triệu đồng mà có vô số thứ phải lo.
Lần đầu tiên tôi biết sợ hãi. Nếu không may một thành viên bị bệnh mà trong túi vợ chồng không có nổi một đồng, vay mượn được ai đây khi nhà nào cũng khó khăn vì đại dịch. Tôi giận mình chỉ biết trước mắt mà không tính đường dài, thương chồng thương con nhưng lại quá tay không đúng cách. Nạn dịch này này đúng là một bài học để tôi chỉnh lại việc chi tiêu.