Những dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ
Gìn giữ hòa bình được Liên Hiệp Quốc xác định là "một cách giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột để tạo ra các điều kiện cho hoà bình". Những quân nhân gìn giữ hòa bình theo dõi và giám sát tiến trình hòa bình trong những vùng hậu xung đột và giúp đỡ những cựu chiến sĩ trong việc thực hiện những thỏa thuận hoà bình mà họ đã ký. Các sự trợ giúp như vậy có nhiều dạng, gồm phương pháp xây dựng lòng tin, thỏa thuận về việc chia sẻ quyền lực, hỗ trợ bầu cử, củng cố luật pháp, và việc phát triển kinh tế - xã hội. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc có thể bao gồm những người lính, những cảnh sát dân sự và các dân thường khác.
Việt Nam đã chuẩn bị cho việc tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ năm 2005, đã hợp tác với nước ngoài đào tạo tiếng Anh và kiến thức chuyên môn cho gần 200 cán bộ công binh và quân y.
Đoàn Bệnh viện dã chiến sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Liên Hợp Quốc ngày 1/10/2018. Ảnh: VnExpress. |
Vào ngày 4/12/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ngày 27/5/2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam chính thức thành lập. Trung tâm có nhiệm vụ "nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam."
Sau sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trung tá Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã được cử đi Nam Sudan làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình, cụ thể là làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở quốc gia châu Phi này.
Đến ngày 1/4/2015, Bộ Quốc phòng tiếp tục cử ba sĩ quan lên đường đợt 2 để thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi. Ba cán bộ này gồm: Trung tá Nguyễn Xuân Thành và Thiếu tá Vũ Văn Hiệp đảm nhận nhiệm vụ Sĩ quan Tham mưu quân sự, Đại úy Hoàng Trung Kiên đảm nhậm nhiệm vụ Sĩ quan Tham mưu trang bị. Thời gian làm việc tại đây là 1 năm.
Cuối năm 2017, Việt Nam có nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc khi Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước cử Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đi Nam Sudan làm nhiệm vụ theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga. Ảnh: VnExpress. |
Tính đến thời điểm đó, Việt Nam đã cử 19 lượt sĩ quan đi làm nhiệm vụ. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là người thứ 20, tăng tỷ lệ nữ tham gia gìn giữ hòa bình và thể hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc là bình đẳng giới.
Đến ngày 5/1/2018, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Theo đó, Bộ Ngoại giao chuyển giao Tổ công tác liên ngành về Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng tiếp nhận Tổ công tác liên ngành từ Bộ Ngoại giao sang quản lý và tổ chức lại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Phát huy phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ
Bằng sự tích cực, chủ động, các sĩ quan Việt Nam công tác tại hai Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên các mặt.
Nếu so về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ thì sĩ quan Việt Nam không thua kém bất kì cán bộ, sĩ quan nước nào tại Phái bộ, thậm chí còn có nhiều điểm nổi trội, được chỉ huy Phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao.
Không những làm tốt những nhiệm vụ của Phái bộ, xuất phát từ truyền thống tương thân tương ái của người Việt, các thành viên trong đaoàn công tác của Việt Nam còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân địa phương cải thiện cuộc sống trên nhiều phương diện.
Các lớp học dành cho trẻ em nghèo do chiến sĩ Việt Nam mở ra đã đem lại kiến thức cho hàng nghìn bá trai, bé gái không có điều kiện đến trường, góp phần thiết thực trong việc nâng cao dân trí cho cộng đồng dân cư.
Vườn rau của người dân CH Trung Phi do các sĩ quan Việt Nam hướng dẫn trồng trọt. Ảnh: Kênh 14. |
Với vốn kiến thức nông nghiệp phong phú tích lũy từ quê nhà, các anh còn hướng dẫn người dân trồng rau xanh để cải thiện đời sống. Hoạt động này được sĩ quan các nước tại Phái bộ hết sức ủng hộ. Họ đã đặt hàng người dân để mua rau tươi từ người dân, giúp người dân có thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, các cán bộ Việt Nam còn thực hiện nhiều công việc giúp đỡ cho người dân bản địa như bổ củi, xách nước, làm vườn...
Những hoạt động này đã tô đậm những phẩm chất cao quý của người bộ đội Cụ Hồ, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè khắp năm châu...