Khác với nhiều ngành nghề, y tế là ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người nên được cả xã hội luôn quan tâm. Bởi vậy, đây là một ngành luôn luôn xảy ra những sự việc “nóng” và người đứng đầu đảm đương vị trí lãnh đạo luôn luôn phải chịu nhiều áp lực. Thậm chí bị chỉ trích từ dư luận nếu không có những giải pháp kịp thời khi xảy ra các sự cố.
Qua gần hai nhiệm kỳ đảm đương vị trí “tư lệnh ngành", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề bức xúc của lĩnh vực y tế quản lý, nỗ lực quán xuyến, điều hành, tiếp tục thực hiện những giải pháp đặt ra, đạt được nhiều dấu ấn mạnh mẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Nguyễn Thị Kim Tiến đảm nhận "tư lệnh" ngành y tế từ tháng 8/2011, trước đó, bà từng được biết đến là viện trưởng trẻ tuổi nhất trong hệ thống Viện Pasteur trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, từ khi lên nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Kim Tiến ngay lập tức phải đối mặt với nhiều thách thức, “sóng gió”. Dẫu vậy, với vai trò là người chèo lái “con thuyền y tế” cùng tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo, sự am hiểu sâu sắc về ngành y, sự sâu sát trong hoạt động quản lý, Bộ trưởng Kim Tiến đã cùng các cán bộ, nhân viên trong ngành vượt qua những con sóng dữ để mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành trong thời gian qua.
Thực tế đã chứng minh, ngay trong nhiệm kỳ đầu giữ vị trí Bộ trưởng Y tế (2011-2016), bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã để lại nhiều dấu ấn như đưa ra đề nghị các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thực hiện các giải pháp giảm quá tải tại các bệnh viện lớn, đẩy lùi, ngăn chặn thành công nhiều virus nguy hiểm chết người khiến dịch bệnh tái phát, hoành hành trên toàn thế giới xâm nhập vào nước ta.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng ghi đậm dấu ấn trong nhiệm kỳ này khi chính thức cho phép mang thai hộ và đưa ngành sản xuất vắc xin ở nước ta lên một tầm cao mới, tiến hành vận chuyển và ghép tạng xuyên Việt thành công cho hai bệnh nhân mắc bệnh tim và gan cùng hàng loạt các đề án giảm tải bệnh viện, đề án luân phiên, phát triển y tế biển đảo, đề án phát triển bảo hiểm y tế toàn dân được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và đang được triển khai.
Ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ thứ 2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đồng nghiệp tiếp tục viết lên nhiều dấu ấn trong những trang sử vàng của ngành y tế.
Năm 2017, ngành Y tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, trong hàng loạt lĩnh vực như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, can thiệp chấn thương, chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc bước đầu thành công về ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu, hỗ trợ sinh sản…. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt gần 86%.
Đồng thời tiến hành đổi mới, sắp xếp hệ thống theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố. Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện,khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, áp dụng và triển khai trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam cũng tiến hành đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách…
Như lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Lê Vĩnh Tân đã nói khi làm trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc tại Bộ Y tế về công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế: “Hiện chỉ số hài lòng của người dân về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã đạt 87% - vượt mức 80% mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 phải đạt được. Chỉ số hài lòng của người dân là kết quả đánh giá chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Đây là kết quả đáng ghi nhận”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm Đơn nguyên Sơ sinh của Bệnh viện Sản- Nhi Bắc Ninh. Ảnh: Báo SK&ĐS. |
Những thành quả như trên của ngành Y tế đã mang đậm dấu ấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Trong năm 2017, khi xảy ra các sự cố y khoa nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ngay lập tức đã có chỉ đạo kịp thời tìm nguyên nhân, xử lý giải quyết các vụ việc khiến dư luận đồng tình.
Ví dụ, sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong khi chạy thận, Bộ trưởng Tiến đã chủ trì buổi họp báo ngay khi xảy ra sự việc. "Tôi rất đau lòng trước sự cố y khoa này. Ngành y tế chia sẻ với những mất mát xảy ra với gia đình người bệnh".
Bộ truởng cũng yêu cầu các chuyên gia đầu ngành thành lập ngay Hội đồng chuyên môn độc lập xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, tìm nguyên nhân sớm và nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm vì đây là sự cố y khoa đặc biệt xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt.
Tại sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh khiến 4 trẻ sơ sinh tử vong, Bộ trưởng Tiến cũng ngay lập tức có mặt chỉ đạo. Bộ trưởng Y tế khi đó nhấn mạnh, đây là sự cố không ai mong muốn, nhưng là sự cố bất bình thường khi có có 4 trẻ sơ sinh đẻ non tử vong trong cùng 1 ngày, cùng 1 khoa. Bộ trưởng cũng gửi lời chia sẻ sâu sắc đến gia đình các cháu đã tử vong.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ y tế cũng đã có những dấu ấn đậm nét. Bởi trước rất nhiều câu hỏi hóc búa về những vấn đề nổi cộm của ngành y, Bộ trưởng Kim Tiến với kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề bức xúc của lĩnh vực y tế quản lý đã trả lời khá chi tiết khiến các đại biểu đã tỏ vẻ đồng tình, hài lòng với rất nhiều nội dung trả lời của Bộ trưởng.
Nữ tư lệnh ngành Y cũng để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân khi chủ trương thực hiện đường dây nóng tiếp nhận phản ánh từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chỉ sau 3 năm triển khai hệ thống quản lý đường dây nóng Bộ Y tế 1900-9095 đã có hơn 1.183 trường hợp cán bộ, cơ sở y tế bị xử lý dưới nhiều hình thức như buộc thôi việc, điều chuyển sang bộ phận khác, khiển trách, nhắc nhở, cách chức, cắt thi đua từ phản ánh của người dân.
Nhờ kênh tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng, những băn khoăn, bức xúc của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân được giải quyết nhanh nhất, cán bộ y tế có ý thức hơn trong quá trình chăm sóc người dân, mang lại niềm tin của người dân vào ngành Y tế và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Với những dấu ấn đậm nét trên, dù ngành y tế thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, người dân đặt niềm tin vào nữ tư lệnh ngành sẽ chèo lái con thuyền y đức vượt qua sóng gió, tiếp tục đạt được những thành tựu trong công tác khám chữa bệnh, mang lại sức khỏe, bình yên trong nhân dân.