Mỹ, châu Âu nỗ lực ‘thoát’ đất hiếm Trung Quốc
Hoa Kỳ, Australia và Liên minh châu Âu đang nỗ lực tạo ra chuỗi cung ứng đất hiếm độc lập với Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc kiểm soát phần lớn thị trường khai thác và chế biến kim loại đất hiếm trên thế giới. Trung Quốc, do quy mô kinh tế lớn của mình, có thể giữ giá thấp, do vậy cực kỳ khó khăn cho những doanh nghiệp mới tham gia vào ngành này.
Theo Financial Times (FT), tuyên bố của Bắc Kinh về các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng với Lockheed Martin, làm phương Tây dấy lên nỗi lo ngại Trung Quốc có thể hạn chế cung cấp đất hiếm cần thiết cho việc sản xuất không chỉ các thiết bị điện tử, mà cả các thiết bị quân sự chiến lược quan trọng.
Bắc Kinh có thể trừng phạt nhà sản xuất thiết bị quân sự của Mỹ để đáp lại quyết định của Hoa Kỳ bán vũ khí với giá 620 triệu dollars cho Đài Loan (Trung Quốc).
Truyền thông phương Tây, đặc biệt là Bloomberg, gọi các lệnh trừng phạt là mang tính biểu tượng, vì các hoạt động của Lockheed Martin thực tế không liên quan gì đến Trung Quốc. Châu Á chỉ chiếm 9,7% doanh thu của công ty, và các thị trường chính của Lockheed Martin ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Chính xác thì lệnh trừng phạt đối với Lockheed Martin là gì, phía Trung Quốc không chính thức tiết lộ. Tuy nhiên, như tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đăng bài với sự tham khảo của các chuyên gia, Trung Quốc có thể cấm cung cấp kim loại đất hiếm cho nhà sản xuất thiết bị quân sự Mỹ.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể hạn chế sự hợp tác của Lockheed Martin với các nhà cung cấp linh kiện và bộ phận trung gian từ Trung Quốc.
Kim loại đất hiếm rất cần thiết để chế tạo các thiết bị điện tử công nghệ cao, và các sản phẩm khác trên toàn thế giới. Tuy tỷ trọng của nguyên liệu thô này trong bất kỳ đơn vị sản phẩm nào khá nhỏ, nhưng công nghệ chế tạo màn hình điện thoại thông minh, bo mạch chủ và các thiết bị điện tử công nghệ cao khác không thể làm được nếu không có chúng. Ngay cả tổ hợp công nghiệp quân sự cũng phụ thuộc vào các kim loại này, ví dụ như: Thân vỏ máy bay quân sự được chế tạo từ hợp kim với đất hiếm.
Trung Quốc đang đứng đấu thế giới về khai thác và tinh chế đất hiếm. |
Cho đến đầu những năm 90, phần lớn kim loại đất hiếm trên thế giới được khai thác tại mỏ Mountain Pass ở Hoa Kỳ. Nhưng sau đó, người ta phát hiện trữ lượng lớn nhất thế giới của tài nguyên quý hiếm này nằm ở Trung Quốc. Do đó, quốc gia này trở thành nhà sản xuất và cung cấp kim loại đất hiếm chính trên thế giới, chiếm 95% tổng nguồn cung của thế giới.
Thoát Trung Quốc không phải là dễ
Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang phát triển một chiến lược nguyên liệu mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc cung cấp nguyên liệu thô từ Trung Quốc, bao gồm cả kim loại đất hiếm.
Tháng 11, Australia và Hoa Kỳ ký thỏa thuận hợp tác giữa các dịch vụ địa chất của hai nước, đảm bảo khai thác và cung cấp các khoáng sản quan trọng, bỏ qua nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Việc Mỹ lựa chọn Australia làm đối tác không phải là ngẫu nhiên vì Canberra là nhà cung cấp đất hiếm lớn thứ hai sau Bắc Kinh. Tuy nhiên, để thay thế Trung Quốc làm nhà cung cấp chính sẽ không dễ dàng.
Theo ông Mei Xinyu, chuyên gia thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đây là những vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ, Australia và các quốc gia khác, nếu họ muốn tạo ra chuỗi cung ứng cho kim loại đất hiếm độc lập với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào những vấn đề này.
Tuy nhiên, xét trên quan điểm kinh tế, rõ ràng các quốc gia này sẽ phải trợ cấp cho các khoản thua lỗ của họ. Và cũng phải đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp để tách và xử lý kim loại đất hiếm. Đó là một công nghệ phức tạp mà Trung Quốc đã phát triển từ những năm 1970, bây giờ chiếm một vị trí hàng đầu trên thế giới.
Do đó, ngay cả khi Hoa Kỳ, Australia và các quốc gia khác có thể thiết lập chuỗi cung ứng mới cho các nguyên liệu thô này, chi phí của họ sẽ không thể so sánh với Trung Quốc. Vì các ngành công nghiệp như vậy sẽ chỉ có thể tồn tại thông qua trợ cấp, nên có nguy cơ tham nhũng lớn trong ngành này.
Vấn đề trong việc sản xuất kim loại đất hiếm không phải là sự khan hiếm nguyên liệu thô. Chẳng hạn, Cerium có nhiều hơn gấp ngàn lần so với vàng. Tuy nhiên, việc khai thác và sản xuất kim loại đất hiếm là một quy trình công nghệ phức tạp, cũng không an toàn theo quan điểm bảo vệ môi trường.
Trung Quốc đã phát triển công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm trong nhiều thập kỷ. Kết quả là nước này hiện sản xuất 120 nghìn tấn kim loại đất hiếm mỗi năm. Để so sánh, Australia chỉ sản xuất 20 nghìn tấn mỗi năm nguyên liệu thô có giá trị này. Hơn nữa, các yếu tố địa chất không đóng vai trò quyết định ở đây. Trung Quốc chỉ chiếm 36% trữ lượng đất hiếm của thế giới.
Trung Quốc sẽ không sử dụng đất hiếm làm vũ khí
Vị chuyên gia từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, mặc dù những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị chính quyền hạn chế hoàn toàn xuất khẩu để ngăn chặn Mỹ, nhưng nhiều khả năng chính quyền Bắc Kinh sẽ không sử dụng kim loại đất hiếm làm đòn bẩy với các đối thủ địa-chính trị.
Bỏ qua những quy tắc về bảo vệ môi trường, Trung Quốc đã trở thành nhà khai thác, tinh chế và xuất khẩu đất hiếm số 1 thế giới. |
Kim loại đất hiếm đây không phải là một thị trường lớn, không có quá nhiều nhu cầu về nó. Vì Mỹ thực sự cần kim loại đất hiếm của Trung Quốc và nhu cầu ngày càng gia tăng nên các doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian qua cũng mở rộng sản xuất.
Hơn nữa, nếu trừng phạt Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng khó bán được loại nguyên liệu công nghệ cao này cho ai.
Kim loại đất hiếm là lĩnh vực trong đó có mối liên kết chặt chẽ, có mối quan tâm đan chéo nhau của cả doanh nghiệp Mỹ lẫn Trung Quốc. Phá hủy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ khiến Trung Quốc phải tái cấu trúc nghiêm túc và tốn kém cho công việc của ngành này.
Ngoài ra, những mỏ kim loại đất hiếm không chỉ nằm ở Trung Quốc, mà còn ở Australia, Mông Cổ, Nhật Bản và ở Hoa Kỳ. Do đó, Trung Quốc cần phải duy trì vị thế một nhà cung cấp đáng tin cậy trong tương lai lâu dài, để củng cố và gia tăng vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Một vấn đề đáng lưu ý là nếu sử dụng kim loại đất hiếm để mặc cả hay gây sức ép, chính nó sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc và làm hỏng hình ảnh quốc tế của chính quyền Bắc Kinh.
Những biện pháp cấm xuất khẩu đất hiếm vượt ra ngoài khuôn khổ các quy tắc hiện hành của WTO, mà Trung Quốc không muốn rời khỏi các chế tài của luật pháp quốc tế trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Hiện nay, dư luận đang dần thay đổi có lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh đang nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi trên khắp thế giới (kể cả ở Mỹ) trong cuộc thương chiến. Nhưng nếu Trung Quốc đáp trả Mỹ, họ sẽ mất đi “sự đồng cảm” của cộng đồng quốc tế.
Do biết được việc trừng phạt trong lĩnh vực này không thể đạt hiệu quả mong muốn nên khả năng Trung Quốc sử dụng đất hiếm để gây áp lực lên Hoa Kỳ chỉ được xem xét như mối đe dọa mang tính biểu tượng và làm công cụ mặc cả trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.