Không có khách đến xem, môi giới nghỉ làm, một mảnh đất rao bán hơn một năm vẫn chưa tìm được chủ nhân mới… đó là những thông tin về thị trường bất động sản Đông Anh (Hà Nội) hiện tại. Khó ai có thể tin được chỉ mới hơn 3 tháng trước, Đông Anh từng là “điểm nóng” của thị trường bất động sản Hà Nội.
Hơn 3 tháng trước, "Đông Anh" trở thành từ khoá nóng trên các phương tiện thông tin truyền thông ngay sau khi thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được công bố. Khi đó, ở Hà Nội, trong giới đầu tư, người ta nhắc đến Đông Anh như một điểm sáng của thị trường cùng quảng cáo "không mua đất ngay hôm nay, ngày mai giá sẽ tăng lên".
Còn nhớ khi ấy, chỉ ngay một ngày thông tin về Đồ án phân khu đô thị sông Hồng sẽ phê duyệt và ban hành trong tháng 6, về Đông Anh xem đất, môi giới nhộn nhịp giới thiệu. Ngay cả đến bà bán trà đá ven đường cũng phải "giữ chặt" lấy 2 lô đất để dành, chờ tăng giá.
Môi giới khi đó quảng cáo, trước khi có quy hoạch, mảnh đất ở đường ngõ rộng 3m chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 nhưng đã tăng gần gấp đôi chỉ sau ít ngày, dao động 34-37 triệu đồng/m2. Thậm chí, có môi giới còn "khoe": Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm xem đất buổi tối, giao dịch chốt nhanh chóng.
Nhưng đến hiện tại, thị trường bất động sản Đông Anh vắng lặng. Do ảnh hưởng bởi dịch, các tuyến đường vào trong ngõ, xóm đều có chốt chặn. Và chỉ có các tuyến đường lớn được ưu tiên khơi thông để thuận lợi cho việc di chuyển.
Một lô đất nằm mặt đường 4m có giá 45-50 triệu đồng/m2. Nguồn: Nhịp Sống Kinh Tế |
Anh Chiến, một môi giới Đông Anh chia sẻ: "Từ lúc xuất hiện dịch, bất động sản Đông Anh gần như "đóng băng". Văn phòng tôi cả tháng không một khách nào đến xem. Đến hiện tại, các xã đều có chốt chặn, hoạt động xem đất càng trở ngại, hạn chế. Anh em môi giới phải tạm dừng hoạt động".
Khi được hỏi về giá đất ở Đông Anh hiện tai so với thời điểm tháng 3 khi thông tin về Đồ án phân khu đô thị sông Hồng xuất hiện, anh Chiến khẳng định: "Giá đất Đông Anh khoảng 1 năm nay không dịch chuyển mạnh, chưa nói là bị chững. Thông tin sốt đất đợi tháng 3 là do môi giới thổi lên chứ thực tế không có khách đến chốt mua. Đa phần là môi giới với môi giới đi xem cùng nhau, tạo sóng ảo. Giá đất Đông Anh nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m, ô tô di chuyển vào được dao động từ 45-50 triệu đồng/m2. Còn đất nằm ở mặt ngõ, đường trước cửa rộng 2,5-3m, giá chỉ từ 20-30 triệu đồng".
Anh Tuấn, một nhà đầu tư tại Đông Anh cũng than thở, mảnh đất 75m2 nằm ở khu vực đường ô tô đi qua đã được rao từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa có khách chốt. Trước đó, anh cũng từng kỳ vọng với thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, mảnh đất của anh sẽ tìm được chủ mới.
"Tình hình dịch phức tạp, đâu đâu cũng "bế quan toả cảng" thì khả năng bán đất càng khó. Sốt đất đợt vừa qua chỉ là sốt ảo vì người mua thực không có. Hiện tại, thị trường Đông Anh gần như không có giao dịch bán ra cũng không có khách mua vào"– anh Tuấn nói.
Lý giải về mức giá đất Đông Anh cao, anh Tuấn chia sẻ thêm, từ năm 2019, giá khu vực này tăng mạnh vì "ăn theo" thông tin các dự án quy mô lớn đổ bộ và quốc lộ 5 mở rộng. Đặc biệt, các khu vực ven khu công nghiệp cũng tăng giá do nhu cầu nhà ở của công nhân lớn.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian tăng nóng 2019 - đầu năm 2020, nhiều nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người" bởi thông tin dự án lớn chỉ "truyền tai" mà thực tế không có. Giá đất Đông Anh bị đẩy lên cao khiến nhu cầu của phần lớn công nhân khó tiếp cận. Đến giữa năm 2020, giá đất Đông Anh dừng tăng.
Trước đó, báo cáo thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam quý I -2021 từng ghi nhận, thời điểm sốt đất, giao dịch thực tế của khu vực Đông Anh rất thấp. Khảo sát của PV cũng ghi nhận ở thời điểm tháng 2/2021, tại xã Vĩnh Ngọc, xã Nam Hồng, phố Vân Trì, mức giá đất thổ cư ở mặt đường lớn có thể lên tới 50-60 triệu đồng/m2. Giá đất ở khu vực thôn – xã cũng chỉ ở ngưỡng 20-30 triệu đồng/m2. Mức giá này gần như không thay đổi ở thời điểm khảo sát trong tháng 6/2021.
Tương tự như Đông Anh, phường Cự Khối (Long Biên), khu vực nằm trong vùng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đại diện đơn vị sàn môi giới chia sẻ, tháng 3, lượng khách hàng đổ về đông nhưng giao dịch thực tế thấp. Đến hiện tại, gần như thị trường vắng bóng giao dịch.
"Một mảnh đất tại Cự Khối vào năm 2020, mức gia mua mua là 38 triệu đồng/m2. Sau đó, tôi rao 46 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại vẫn chưa có khách chốt" – đại diện môi giới này tiết lộ thêm, "Thị trường bất động sản Long Biên đang "đóng băng" vì dịch".