Vừa mua vừa...cướp
“Suýt nữa thì hụt, lâu lắm rồi mới phải mua đất theo kiểu vừa mua vừa cướp”, anh Chung – một người đầu tư BĐS - thở phào nhẹ nhõm khi chốt xong giao dịch. Theo lời kể của anh Chung, anh đã đặt cọc để mua mảnh đất thuộc xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) với giá 13 triệu đồng/m2 nhưng khi gom đủ tiền, quay lại để thực hiện giao dịch thì chủ đất lại đòi giá 15 triệu đồng/m2. Theo anh Chung, nếu không phải là người có kinh nghiệm anh không thể mua được mảnh đất trên với giá đã thỏa thuận dù hai bên đã có khế ước.
Anh Chung kể thêm, mặc dù phải chịu giá từ 14,5 – 16 triệu đồng/m2 nhưng một người bạn của anh cũng vừa “xuống tay”, đặt cọc liền một lúc 6 mảnh đất với diện tích trên dưới 100 m2 tại Đông Hội và Xuân Canh.
Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường đất thổ cư tại hai xã Xuân Canh, Đông Hội trở nên sôi động hẳn lên. Dọc theo những trục đường chính, có thể nhận thấy nhiều tấm biển dịch vụ, trung tâm môi giới nhà đất vẫn còn rất mới. Tại những quán nước ven đường, những câu chuyện về giá nhà, giá đất cũng là một chủ đề được nhiều người quan tâm.
Anh Tuấn, một người môi giới nhà đất tại khu vực Xuân Canh, Đông Hội cho biết: anh cùng với hai người em của mình đã tham gia vào việc giới thiệu, kết nối những người có nhu cầu giao dịch bất động sản từ năm 2010. Nhưng mãi đến gần đây, công việc mới trở nên bận rộn. Anh và những người em của mình đã chung vốn để mở trung tâm giao dịch, đầu tư mua những lô đất có diện tích lớn sau đó chia nhỏ ra để bán lại cho những người có nhu cầu.
Trải lên bàn tấm bản đồ, anh Tuấn giới thiệu, đây là lô đất có diện tích hơn 600 m2, được chia làm 7 mảnh đất mảnh đất nhỏ. 6 mảnh đã bán trước và sau Tết Nguyên đán với giá giao động từ 11,5 – 14 triệu đồng. Hiện tại chỉ còn một mảnh duy nhất có diện tích 66 m2 đang được anh giao bán với giá 15 triệu đồng/m2.
Nguyên nhân gây "sốt"
Khi thắc mắc về lý do giá đất tăng cao trong thời gian ngắn, anh Tuấn không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà chỉ tay về phía xa xa nói: ở đằng kia, trước Tết giá chỉ 15 – 16 triệu/m2, hiện giờ giá đã là 24 – 25 triệu/m2. Anh Tuấn cho biết thêm: đó là là khu vực sát với đường gom lên cầu Tứ Liên.
Được biết, đất thổ cư ở ở khu vực hai xã Xuân Canh, Đông Hội đã rục rịch tăng giá kể từ năm 2016, sau lễ động thông dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Gần đây, khi rộ lên tin đồn về dự án cầu Tứ Liên (khởi động từ năm 2010 – kết nối Đông Hội, Xuân Canh với nội đô Hà Nội) sẽ được triển khai trong thời gian tới thì giá đất bắt đầu ở vào trạng thái “sốt”.
Phối cảnh Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Nguồn ảnh: Vingroup. |
Nhớ lại thời điểm 2010 và 2011, giá đất thổ cư tại Ba Vì và Sóc Sơn Hà Nội cũng đã liên tục bị đẩy lên cao với cùng với những tin đồn về những dự án quy hoạch lớn nhưng sau đó cũng lao dốc nhanh không kém và đã khiến cho không ít nhà đầu tư “vỡ mộng”.
Chính vì thế, nhiều câu hỏi đặt ra rằng: cơn sốt đang diễn ra ở Xuân Canh, Đông Hội có đi vào vết xe đổ của hai lần trước?
Một chuyên gia bất động sản cho rằng, hai dự án liên quan đến giá đất ở Đông Anh là dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia đã chính thức động thổ từ năm 2016; dự án cầu Tứ Liên tuy chưa triển khai nhưng cũng đã được phê duyệt. Tuy nhiên, dự án cầu Tứ Liên có thực sự được khởi công vào cuối năm nay và sẽ hoàn thành vào năm 2020 như đồn đoán hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi.
Chính vì thế, rất có thể những nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi lâu hơn để đạt được lợi nhuận kì vọng. “Nếu không thực sự trường vốn thì nên cân nhắc thật kĩ trước khi đầu tư”, chuyên gia bất động sản này khuyến cáo.