Đất canh tác sạt lở vì doanh nghiệp “tận hủy” tài nguyên cát trên sông Lô

(Kiến Thức) - Nhiều thuyền bè, sà lan ngày đêm rầm rộ khai thác cát trên sông Lô, đoạn qua xã Bình Phú (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) khiến hàng nghìn m2 đất canh tác, hoa màu và tính mạng của người dân địa phương bị ảnh hưởng, đe dọa.

Phản ánh với báo điện tử Kiến Thức, người dân ở khu 3 Tử Đà thuộc xã Bình Phú (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho biết, nhiều năm qua, các doanh nghiệp rầm rộ kéo nhau về đây tìm mọi cách để được khai thác cát trên sông Lô khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân địa phương bị đảo lộn, luôn trong tình trạng lo lắng, bất an. Điển hình là hoạt động khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C - chi nhánh tại Phú Thọ.
Người dân địa phương cho biết, hiện nay, gần khu vực khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C (ở xã Bình Phú) đã và đang xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều cao khoảng 4m so với mực nước sông, chạy dài hàng trăm mét và ăn sâu vào những cánh đồng trồng ngô của người dân.
“Thời điểm Công ty CP Thái Sơn E&C xây trạm bơm cho xã cũng là lúc doanh nghiệp này đưa nhiều tàu bè xuống sông Lô múc cát. Khi báo chí phản ánh, chúng tôi mới thấy hoạt động khai thác cát giảm xuống, cơ quan chức năng cũng bắt đầu có chỉ đạo. Trước kia, mỗi lần thấy đất sạt lở bởi việc khai thác cát, người dân chúng tôi đều báo cáo lên lên chính quyền địa phương nhưng không ăn thua”, một người dân xin giấu tên chia sẻ.

Tương tự, một người dân khác thông tin: “Họ khai thác cả ngày lẫn đêm, rầm rầm như hội. Tối đến ánh đèn soi sáng lấp lánh cả dòng sông. Tôi nghe nói, trung bình mỗi giờ đồng hồ thì một chiếc tàu quốc có thể khai thác cao nhất là 120m3 cát. Họ hoạt động hết công suất cả ngày thì tận thu hàng trăm m3/ngày. Các đối tượng khai thác cát ở đây rất manh động, giống như được “bảo kê", nhiều lần người dân chúng tôi hợp sức xua đuổi cũng chẳng được”.

Dat canh tac sat lo vi doanh nghiep “tan huy” tai nguyen cat tren song Lo
 Các thuyền, bè của Công ty CP Thái Sơn E&C - chi nhánh Phú Thọ dàn trận trên sông Lô, đoạn trạm bơm mới của xã Bình Phú để "tận hủy" môi trường khoáng sản.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 16/10/2017, Công ty CP Thái Sơn E&C được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy phép khai thác số 29/GP-UBND, thời hạn đến 16/10/2020. Khu vực khai thác thuộc xã Tử Ðà cũ (nay là Bình Phú), với diện tích khai thác là 27,54 hecta.
Tuy nhiên, tháng 6/2019, Công ty CP Thái Sơn E&C bất ngờ bị Thanh tra tỉnh Phú Thọ lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản, UBND tỉnh Phú Thọ sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khai thác khoáng sản với số tiền 100 triệu đồng với doanh nghiệp này, vì lý do đã khai thác khoáng sản vượt quá phạm vi ranh giới của độ sâu được phép khai thác.
Ngoài mức phạt 100 triệu đồng, Công ty CP Thái Sơn E&C còn bị xử phạt bổ sung bằng cách tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 4 tháng (kể từ ngày 31/5/2019).
Gần đây nhất, một số cơ quan truyền thông cho biết, ngày 11/2/2020, UBND huyện Phù Ninh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ về tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn huyện, liên quan đến chi nhánh Công ty CP Thái Sơn E&C.
Theo báo cáo, tại khu vực giáp mỏ của Công ty CP Thái Sơn E&C và một số vị trí giao cho Công ty này bảo vệ xuất hiện việc khai thác cát, sỏi trái phép gây sạt lở đất canh tác của nhân dân.
Cụ thể, vị trí giáp trạm bơm Gai Hạ có diện tích sạt lở khoảng 2.522,5m2. Tại vị trí mốc số 1,24,25,26,27,19,1 (giáp xã Bình Bộ cũ), một số tàu hút, phao cẩu khai thác vào phạm vi khoanh bảo vệ. Mốc số 19,1,24 diện tích sạt lở khoảng 1.764,5m2. Tại vị trí mốc 36,C,D,R,37 diện tích sạt lở khoảng 1.636m2. Một số vị trí khác dọc theo phạm vi cấp phép cho Công ty CP Thái Sơn E&C có sạt lở vào đất canh tác của các hộ dân khoảng 4.327m2.
Văn bản nêu: “UBND huyện đã chỉ đạo Công ty CP Thái Sơn E&C thực hiện tốt việc quản lý mỏ; khai thác đúng chỉ giới được cấp phép, khi phát hiện có việc khai thác trái phép khu vực giáp ranh với khu vực mỏ phải báo cáo ngay với các cơ quan chức năng. Các phương tiện tham gia khai thác của Công ty phải có biển hiệu của Công ty. Thả đầy đủ phao tiêu tại các điểm mốc ranh giới mỏ, cắm bổ sung các mốc giới bị hư hỏng hoặc bị mất”…
Dat canh tac sat lo vi doanh nghiep “tan huy” tai nguyen cat tren song Lo-Hinh-2
 Hàng chục tàu quốc chắn hết dòng chảy sông Lô, đoạn qua xã Bình Phú để khai thác cát. Đáng nói, hầu hết những tàu thuyền này đều không thấy có biển số, nhãn hiệu rõ ràng...
Dat canh tac sat lo vi doanh nghiep “tan huy” tai nguyen cat tren song Lo-Hinh-3
Hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV Kiến Thức ngày 17/3/2020 cho thấy, hầu hết các tàu thuyền đang khai thác ở khu vực xã Bình Phú đều không có biển số, nhãn hiệu. Thế nhưng không hiểu vì sao những chiếc thuyền, sà lan hút vẫn hoạt động hút cát trên sông Lô một cách rầm rộ. Tiếng máy nổ, tiếng động cơ phục vụ cho hoạt động khai thác cát vang ầm ĩ kéo dài trên dòng sông.

Trong khi đó, các mốc giới cho phép Công ty CP Thái Sơn E&C khai thác cũng không được phân định rõ ràng. Khu vực bờ tiếp giáp với khu khai thác của Thái Sơn E&C còn hiện xuất thêm những dấu vết sạt lở mới.
Dat canh tac sat lo vi doanh nghiep “tan huy” tai nguyen cat tren song Lo-Hinh-4
 Hàng nghìn m2 đất hoa màu của người dân bị sạt lở xuống sông Lô do hoạt động khai thác cát.
Dat canh tac sat lo vi doanh nghiep “tan huy” tai nguyen cat tren song Lo-Hinh-5
Những vết sạt lở kéo dài đang "ăn" sâu vào phía bên trong. 
Để khách quan các thông tin liên quan, ngày 17/3/2020, PV đã đến liên hệ và đặt lịch công tác với UBND xã Bình Phú, UBND huyện Phù Ninh.
PV cũng đã chủ động liên hệ trực tiếp với ông Hà Kế Tài - Chủ tịch UBND xã Bình Phú về vấn đề này, tuy nhiên vị Chủ tịch xã báo bận và cho biết, sẽ chỉ đạo cấp dưới sắp xếp làm việc để cung cấp thông tin cho PV. Thế nhưng, đến nay (24/3/2020) đã hơn 1 tuần trôi qua phía UBND huyện Phù Ninh và UBND xã Bình Phú vẫn im lặng với báo chí đến khó hiểu?
Dat canh tac sat lo vi doanh nghiep “tan huy” tai nguyen cat tren song Lo-Hinh-6
Lãnh đạo xã Bình Phú im lặng với báo chí trước các thông tin liên quan đến doanh nghiệp Thái Sơn E&C - chi nhánh Phú Thọ “tận hủy” tài nguyên khoáng sản, gây sạt lở đất đai, hoa màu của người dân trên địa bàn?

Được biết, trên sông Lô đoạn qua huyện Phù Ninh lâu nay không chỉ có doanh nghiệp Thái Sơn E&C “tận hủy” tài nguyên khoáng sản, mà còn có các doanh nghiệp khác. Hoạt động khai thác cát đã đang khiến hai đoạn bờ kè quốc gia ký hiệu H1 và H4 bị sạt lở, những đoạn bờ kè kế tiếp đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng.

Cuộc sống người dân xã Bình Phú đang bị đảo lộn, hàng nghìn m2 đất canh tác bị sạt lở xuống sông Lô vì hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra và kéo dài, thì phải chăng các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần cân nhắc, xem xét lại việc cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn đối với các doanh nghiệp?
*Kiến Thức tiếp tục thông tin liên quan đến vu việc.

Sạt lở bờ sông Sài Gòn đang ở mức phải kêu cứu

Tình hình sạt lở bờ sông Sài Gòn diễn tiến nghiêm trọng đến mức các cơ quan chức năng TP HCM gửi nhiều báo cáo, đề nghị khẩn cấp xử lý. 

Các cơ quan chức năng TP.HCM đã có nhiều nội dung báo cáo, đề nghị cấp thẩm quyền TP khẩn cấp chỉ đạo xử lý diễn biến sạt lở bờ sông Sài Gòn.
Sat lo bo song Sai Gon dang o muc phai keu cuu
 Bờ kè bên sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi vừa mới làm được hơn hai tháng nhưng đã bị sạt lở xuống sông. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng nhận định là do tình trạng khai thác cát gây ra (ảnh chụp trưa 10/7) - Ảnh: Quang Định

Vì sao nhà khủng không phép “mọc” trong hồ Núi Cốc?

Một tòa nhà liên hợp cao tới 7 tầng và một bến thuyền cỡ bự "mọc" không phép trong Khu du lịch hồ Núi Cốc nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.

Vi sao nha khung khong phep
Tòa nhà cao 7 tầng mọc không phép trong vùng hồ Núi Cốc. 
Con voi chui lọt… lỗ kim
Hồ Núi Cốc là khu du lịch khá nổi tiếng, đầy hấp dẫn về sinh thái, môi trường và cảnh quan văn hóa của tỉnh Thái Nguyên. Vậy mà trong những năm gần đây, do không có sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng, dẫn đến tình trạng người dân sống quanh hồ khai thác cát sỏi trái phép khu vực, lòng hồ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hồ.
Bên cạnh đó, môi trường, cảnh quan dưới sự tác động của con người, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã bê tông hóa, không còn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có của khu du lịch này. Đặc biệt, thời gian gần đây người dân địa phương và du khách rất ngỡ ngàng bởi nơi đây mọc lên tòa nhà 7 tầng xây dựng không phép ngay giữa khu du lịch Hồ Núi Cốc
Được biết, đây là tòa nhà liên hợp gồm Trung tâm thương mại- dịch vụ- khách sạn đồ sộ cao tới 7 tầng với diện tích sàn gần 9.000m2 đã thi công xong phần thô và đang dần hoàn thiện.
Bất ngờ hơn, công trình “khủng” này chưa được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư là Công ty CP khách sạn du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc cũng chưa được cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết và điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 15/7/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên đang có hiệu lực.
Cách tòa nhà này không xa, là Bến thuyền Thiên Nga cũng xây dựng trái phép. Công trình đang được thi công với kết cấu bê tông cốt thép kiên cố rộng 582m2 (phần diện tích chiếm trên mặt nước là 519m2, phần móng và cột bê tông xây dựng nằm dưới cốt là 46,25m) chưa được ngành chức năng cấp phép xây dựng. Điều đáng nói, phần móng bê tông kiên cố của Bến thuyền Thiên Nga được xác định là vi phạm về quản lý hồ Núi Cốc, vi phạm khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi…
Đáng ngạc nhiên hơn, cả hai công trình vi phạm của Công ty CP khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc nằm chỉ cách Ban quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc chưa đầy 100m, nhưng không hiểu sao Ban Quản lý không hề có động thái gì ngăn cản hoặc xử lý hai công trình vi phạm này.
Từ sự bất bình thường này, dư luận địa phương nghi ngờ rằng Ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc đã “nhắm mắt làm ngơ” để các công trình xây dựng trái phép của Công ty CP Khách sạn du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc ngang nhiên xây dựng ngay trước trụ sở là hành vi tiếp tay cho hành vi sai phạm của công ty này.
Sẽ xử lý nghiêm?
Sau khi phát hiện những hành vi sai phạm của hai công trình trên, ngày 16/11/2015, Thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với công ty này mức phạt 40 triệu đồng.
Lý do phạt là do công ty này có hành vi “tổ chức thi công xây công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng” khu thương mại- dịch vụ- khách sạn tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên quy định tại Điểm C, khoản 6, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công tình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Vi sao nha khung khong phep
Với hành vi xây dựng không phép, Thanh tra Sở Xây dựng Thái Nguyên xử phạt Công ty CP khách sạn du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc số tiền 40 triệu đồng. 
Biện pháp khắc phục yêu cầu Công ty CP khách sạn du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng công trình theo quy định. Công ty CP khách sạn du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt trên trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày 17/11/2015. Quá thời hạn này, nếu Công ty CP khách sạn du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc không chấp hành quyết định thì bị cưỡng chế thi hành.
Trước những sai phạm về xây dựng trong khu vực hồ Núi Cốc, ngày 22/12/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên có công văn số 3710/UBND-KTN về việc quản lý hoạt động xây dựng trong khu du lịch hồ Núi Cốc.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT chủ động hướng dẫn các nhà đầu tư trong hoạt động xây dựng tại khu du lịch vùng hồ Núi Cốc theo đúng quy định; trường hợp vi phạm hoạt động xây dựng, kiên quyết xử lý; vượt thẩm quyền tham mưu, báo cáo cụ thể để UBND tỉnh có cơ sở pháp lý xử lý theo đúng thẩm quyền; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn xây dựng các dự án tại khu du lịch vùng hồ Núi Cốc theo đúng Luật. Giao Sở NN&PTNT kiểm tra, rà soát các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hoạt động xây dựng, hành lang trong khu vực lòng hồ Núi Cốc; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm và báo cáo…
Mặc dù có chỉ đạo là vậy nhưng các ngành chức năng của Thái Nguyên làm việc rất chậm chạp. Bởi vậy, ngày 31/12/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có công văn gửi Thanh tra tỉnh; Sở Xây dựng; Sở NN&PTNT tỉnh đốc thúc thực hiện xử lý công trình vi phạm trong khu du lịch hồ Núi Cốc.
Ông Đoàn Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ngày 29/9/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thành lập đoàn kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng trong khu du lịch hồ Núi Cốc.
Ngày 9/12/2015, Sở Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra trong khu du lịch hồ Núi Cốc có hai công trình: Khu thương mại dịch vụ du lịch khách sạn và Bến thuyền Thiên Nga vi phạm hoạt động xây dựng và hành lang công trình thủy lợi hồ Núi Cốc.
Tiếp đó, ngày 24/12/2015, UBND tỉnh mời và làm việc cụ thể với lãnh đạo các sở, ngành: Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT tại Văn phòng UBND tỉnh. Qua xem xét hồ sơ, thủ tục pháp lý, UBND tỉnh nhận thấy: Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý để xử lý công trình vi phạm trên theo quy định.
Vì vậy, để xử lý dứt điểm công trình vi phạm trên, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo, giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để xử lý công trình vi phạm; kiểm tra cụ thể hồ sơ xử lý vi phạm, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền trước ngày 12/1/2016; Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý công trình vi phạm, cùng nhau thống nhất biện pháp xử lý công trình vi phạm; trường hợp vượt thẩm quyền, thống nhất đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 8/1/2016 và đồng thời gửi Thanh tra tỉnh một bộ hồ sơ xử lý vi phạm để kiểm tra, tham mưu cho tỉnh trước khi UBND tỉnh quyết định. Đồng thời yêu cầu: Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để các công trình nêu trên vi phạm hoạt động xây dựng và hành lang công trình thủy lợi hồ Núi Cốc.
Liệu các ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên có làm đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên? Dư luận đang chờ sự giải quyết triệt để và câu trả lời thỏa đáng.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu (Hà Nội) lại tất bật. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả, máy móc hoạt động hết công suất.