Đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất Trung Quốc |
Theo tạp chí Đức Der Spiegel (Tấm gương), các chuyên gia nước ngoài cảnh báo rằng hàng trăm triệu tấn nước gây áp lực nguy hiểm với mặt đất và có thể dẫn đến thảm họa tự nhiên trong tương lai. Quan điểm này nhận được sự tán đồng của một số chuyên gia môi trường Trung Quốc, và những kết luận như vậy đặc biệt có tính thời sự sau trận động đất tàn phá mới xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên.
Nhà nghiên cứu Fang Xiao từ Thành Đô cho rằng gần đây khu vực Tứ Xuyên thường xuyên bị rung lắc một cách bất thường. Do trận động đất năm 2008, chỉ trong một vài giây, nhiều đô thị và làng quê trong tỉnh đã bị phá hủy tan hoang, hơn 90.000 người thiệt mạng. Trận động đất xảy ra ngày 20/4 tại huyện Lô Sơn tỉnh Tứ Xuyên đã làm chết hơn 200 người và hơn 11.500 người bị thương. Học giả Fan Xiao không tin rằng lý do duy nhất gây động đất là đứt gãy và va chạm của hai mảng kiến tạo tự nhiên chạy qua lãnh thổ tỉnh Tứ Xuyên.
Trong bài nghiên cứu gần đây, Fan Xiao viết rằng nguyên nhân chính gây ra nhiều trận động đất tại khu vực chính là con người. Trọng tải lớn trên mặt đất, tích tụ bởi nhiều hồ chứa nước phục vụ các nhà máy thủy điện có thể dẫn đến động đất mạnh. Theo quan điểm của chuyên viên Fan, trận động đất xảy ra năm 1967 tại đập Koyna ở Ấn Độ chính là cảnh báo. Tiếc thay, lời cảnh báo đó đã bị bỏ ngoài tai.
Ông Fan Xiao lo lắng theo dõi những cú chấn động ngày càng tăng trong vùng ngoại vi nhà máy thủy điện mới Pubugou. Nhà máy thủy điện này nằm cách tâm chấn của trận động đất xảy ra ngày 20/4 khoảng 80 km về phía Nam. Từ tháng 10/2006 đến hết năm 2011, ở khu vực này đã xảy ra 1.834 trận động đất nhẹ, hầu hết xảy ra phía dưới con đập, đặc biệt là ở phần trung tâm của nó cũng như không xa đập và vùng hạ lưu. Đáng báo động nữa là thực tế rằng cả hồ chứa nước gần đó và nhà máy thủy điện chưa hoàn thành Syantszya đã được hối hả trữ đầy nước với tốc độ gấp rút hồi tháng 10/2012. Chỉ trong vòng 6 ngày, mực nước tăng lên 76 mét, là chuyện chưa từng thấy trong lịch sử ngành thủy điện. Ông Fan Xiao nhận xét: "Không cần nghi ngờ gì nữa, nguy cơ biến động địa chất đã gia tăng".
Ý kiến của nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận được sự chia sẻ của các nhà khoa học châu Âu. Chuyên viên Christian Klose từ Trung tâm nghiên cứu Think Geohazards ("Hãy suy nghĩ về biến động địa chất") của Mỹ là người đầu tiên trong số các nhà khoa học cho rằng giữa trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 và tình trạng hồ chứa Tszypinpu có những liên quan nhất định. Theo quan điểm của ông, hồ chứa mới giống như kiểu “đồng hồ báo thức động đất” đã vặn dây cót hẹn giờ. Trọng lượng khổng lồ của nước trong hồ chứa - 320 triệu tấn – đã làm tăng áp lực nguy hiểm xuống đất nền, đẩy nhanh tốc độ chuyển động đứt gãy tự nhiên của các mảng kiến tạo địa tầng.
Một số chuyên viên khác (đa số là người Trung Quốc) không đồng ý với nhận định này. Họ nêu giả thiết rằng tình trạng gia tăng số lượng các trận động đất dù có gắn với việc đổ nước đầy hồ chứa, nhưng áp lực của nước chỉ có thể gây ra động đất nhẹ không đáng kể, còn trận động đất mạnh năm 2008 thì xảy ra ở độ sâu 19 km dưới mặt đất.
Đập thủy điện khổng lồ Itaipu trên biên giới Brazil-Paraguay. |
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: