Bộ phim tình cảm hài lãng mạn Em chưa 18 đang trở thành kỳ tích trong hai tuần qua khi đã thu về gần 150 tỷ đồng, trở thành bộ phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Nhà sản xuất Charlie Nguyễn thừa nhận thành công của bộ phim Em chưa 18 này vượt quá sự mong đợi của anh và ê-kíp.
Giấc mơ gia đình và gáo nước lạnh cho phim Việt
- Mọi người đánh giá cao "Em chưa 18" vì sự hài hước có chừng mực của phim, anh nghĩ sao?
- Nhiều người khen Em chưa 18 tuy hài nhưng không nhảm. Nhưng với tôi, nó lại rất nhảm. Vấn đề ở đây là việc tôi quan niệm “nhảm” khác với khái niệm công chúng mặc định bấy lâu nay.
Một câu chuyện có thể làm mọi người cười thì đó sẽ là một sự nhảm có duyên, hợp lý. Một tình tiết hay câu thoại trái với bình thường được đặt đúng tình huống, đúng tính cách nhân vật quy định thì đó là “nhảm” có logic, ý nghĩa.
Còn sự nhảm nhí trong phim, tôi cho rằng đó xuất phát từ việc diễn viên không hoá thân thành nhân vật trên phim mà đem cái chiêu trò hài hước của mình đi mua vui cho khán giả. Cái chọc cuời của diễn viên là bê nguyên si những mánh lưới hài hước trên sân khấu hay ngoài đời vào phim, chứ đó không phải là tính cách nhân vật hay tình huống hợp lý trong phim.
Nhà sản xuất, biên kịch Charlie Nguyễn cho biết thành công của Em chưa 18 là điều anh chưa từng nghĩ đến. Ảnh: Bá Ngọc. |
Rất nhiều phim cố tình mời các danh hài đóng phim để tạo tiếng cười nhưng điều đó chỉ thể hiện người làm phim không tin vào kịch bản, câu chuyện mà họ xây dựng cũng như không có khả năng tạo tiếng cười bằng nội dung. Vì vậy, họ kéo các danh hài vào phim với hy vọng đem lại sự hài hước cho phim.
Nhưng đó là thiếu tôn trọng khán giả, vì điều khán giả muốn nhìn thấy là câu chuyện của nhân vật chứ không phải là xem diễn viên hài diễn hài trên phim.
- Vậy sự hài hước trong "Em chưa 18" thì sao?
- Kiều Minh Tuấn tạo được tiếng cười trong vai Hoàng không có nghĩa là Tuấn có nhiệm vụ gây cười cho khán giả bằng sở trường của mình, mà chính xác là nhân vật của anh ta bị lâm vào thế gây cười và Kiều Minh Tuấn chỉ thể hiện đúng cái đáng cười đó của nhân vật.
- Anh có thể so sánh về sự thất bại của "Fan cuồng" và thành công của "Em chưa 18"?
- Với tôi, Fan cuồng không phải là sự thất bại. Nếu nói những phim trước như Tèo Em và Để Mai tính 2 là sự thất bại về mặt nội dung thì Fan cuồng là sự thất bại ít nhất. Đó là câu chuyện hay, khiến tôi cảm thấy hào hứng. Nếu đó là phim của đạo diễn khác, tôi cũng nhất định đi xem.
Thất bại phòng vé của Fan cuồng xuất phát từ việc nó có quá nhiều giới hạn cùng sự hụt hẫng của khán giả khi trông chờ tiếng cười từ Thái Hoà và Charlie Nguyễn.
Ngược lại, số phận Em chưa 18 may mắn hơn vì đó là câu chuyện của số đông, ai cũng từng trải qua những điều tương tự. Từ đó nó tạo nên sự đồng cảm lớn dẫn đến thành công về mặt thương mại.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn thì chưa hẳn đây là bộ phim thành công dù đại thắng phòng vé. Kịch bản phim được viết trong thời gian rất ngắn. Thậm chí kịch bản được sửa ngay trong tối, sáng đem đi in và đưa xuống phim trường cho diễn viên chuẩn bị. Vì vậy, nó chưa đủ độ sắc bén và tinh tế như đáng lẽ nên có.
- Vậy anh tâm đắc bộ phim nào hơn?
- Điểm chung giữa Fan cuồng và Em chưa 18 chính là sự đột phá trong nội dung làm phim cũng như là cảm xúc đọng lại sau khi khán giả rời rạp. Nếu phải chọn thích phim nào hơn thì quả thật rất khó nhưng có lẽ tôi sẽ chọn Em chưa 18 vì sự trọn vẹn, rõ ràng của nó.
Đó cũng là thành công ngoài sức mong đợi của tôi khi ngồi ghế sản xuất. Lúc ở vai trò đạo diễn, lúc nào tôi cũng mong có đuợc một nhà sản xuất đồng hành sát sao với mình như cách tôi đã làm cho Lê Thanh Sơn ở bộ phim này.
Charlie Nguyễn dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho hai tác phẩm Fan Cuồng và Em Chưa 18. |
- Nhiều người cho rằng phim được tô hồng nhiều quá?
- Với Em chưa 18, chúng tôi không bán phim, chúng tôi bán giấc mơ. Chính vì vậy, chúng tôi tạo nên câu chuyện có màu sắc “xa hoa” cả về vật chất lẫn tinh thần như một lời gợi nhắc. Người xem đâu đó có thể nhìn thấy họ và cả giấc mơ thuở bé của mình trong phim.
Làm phim với nội dung khá Tây nhưng chúng tôi lại muốn nhắm đến khán giả Việt. Tư tưởng gia đình xuyên suốt phim là tình bạn giữa hai cha con. Hãy làm bạn với con thay vì áp đặt mình ở trên và buông lời dạy dỗ, trách móc. Đó là điều mà không phải gia đình châu Á nào cũng có thể làm đuợc khi dám cởi bỏ lớp áo cách biệt giữa các thế hệ.
Những chi tiết như khi cha của Linh Đan cố gắng dùng giọng điệu, dáng bộ của người bạn để hỏi chuyện khi thấy con khóc, quàng vai con ngồi trước hiên nhà mà tâm sự đã quá quen thuộc trong các phim tuổi teen Mỹ cách đây 10 năm trước, nhưng có thể rất xa lạ với người Việt mình. Tuy nhiên nghĩ kỹ lại, chẳng phải đứa trẻ con nào dù ở đâu cũng từng có giấc mơ đó hay sao?
Dù là cô bé chưa tròn 18 hay gã đàn ông gần 40 thì quyết định quan trọng nhất của mỗi người đều xuất phát từ lời khuyên của người cha. Đó là thông điệp mạnh mẽ để nhắc nhở mọi người đừng quên hình bóng người cha đằng sau mỗi người con dù lớn hay nhỏ.
- Vậy còn giấc mơ lớn hơn, giấc mơ thống trị điện ảnh Việt?
- Thú thật, ê-kíp Em chưa 18 chưa từng mơ giấc mơ đoạt doanh thu cao nói chi là việc đứng đầu và phá vỡ kỷ lục. Mục tiêu tôi từng đặt ra cho đội ngũ sản xuất là phải cố gắng đạt được 40 tỷ đồng sau khi đã bỏ ra gần 35 tỷ đồng làm phim. Lúc ấy, sau thất bại phòng vé của Fan cuồng, tôi nghĩ mình đã tự tạo một áp lực không hề nhỏ.
Charlie Nguyễn khẳng định phim Việt hoàn toàn có khả năng đại thắng phòng vé nếu đươc làm bằng cái tâm. Ảnh: Bá Ngọc. |
Thiết nghĩ, bộ phim chỉ là “gáo nước lạnh”, dội thẳng vào những lời bao biện cho rằng phim Việt khó lòng đạt doanh thủ cao vì hàng loạt lý do như kinh phí thấp, không đọ lại bom tấn nước ngoài hay thói sính ngoại của người Việt…
Nhưng nếu nhìn lại, thị trường phim Việt đang có quá nhiều người làm phim vì tiền. Phim của họ không phải là câu chuyện mà nhà làm phim khao khát và tự hào được kể. Tôi tin chắc rằng khán giả sẽ không bao giờ quay lưng với những nhà làm phim thật sự tin và chết sống với câu chuyện của mình.
“Kaity Nguyễn sẽ chứng tỏ tài năng trong phim mới của tôi”
- Kaity Nguyễn là phát hiện tuyệt vời nhất của anh trong phim?
- Có thể nói vậy. Tôi được một người trong đoàn giới thiệu Kaity, lúc ấy cô bé là một beauty blogger trên YouTube. Và ngay lần đầu tiên, Kaity bước vào phòng casting, tôi đã chắc chắn đây là người mình muốn tìm, cảm giác như vừa được trúng số.
Sau khi quyết định Kaity sẽ là Linh Đan, tôi gửi cô bé cho đàn chị Kathy Uyên. Trong 2 tháng, Kathy Uyên đã giúp cô trang bị tạm thời kiến thức, kỹ năng của một người diễn viên. Để khi bước ra phim trường, cô bé không quá ngỡ ngàng. Bằng sự thông minh và tố chất dạn dĩ sẵn có, Kaity bắt nhịp rất nhanh.
Nhưng chính thái độ làm việc mới là điều giúp cô có được vai diễn xuất sắc như vậy. Đây là điều mà không ai trong chúng tôi có thể chỉ dạy được. Có gia cảnh giống Linh Đan, Kaity Nguyễn cũng vắng mẹ nhưng bù lại có người cha rất tuyệt vời. Tôi chắc chắn cô bé đã được dạy dỗ rất tốt, từ sự nết na, lễ phép đến thái độ làm việc, cách cư xử với mọi người trong đoàn đểu phải nói là…rất đáng nể phục.
Dù chỉ là một cô bé học sinh 17 tuổi, như một đứa trẻ con lần đầu đóng phim nhưng khi phải làm việc trên phim trường 18 tiếng mỗi ngày, cô vẫn cực kỳ nhiệt tình và có phong thái chuyên nghiệp.
Kiều Minh Tuấn và Kaity Nguyễn sẽ tiếp tục sánh đôi trong Em trên 18. Ảnh: CGV. |
- Anh có ý định hợp tác tiếp với Kaity Nguyễn?
- Tất nhiên. Tôi chắc chắn Kaity Nguyễn là tài năng thật sự, sẽ là gương mặt ấn tượng trên màn ảnh Việt trong thời gian tới, ít nhất là trong dự án tiếp theo của tôi.
Trong bộ phim mới lấy ý tưởng từ tác phẩm Key of Life của Nhật Bản với tên tạm gọi là Sát thủ đầu mang mũ, Kaity Nguyễn sẽ đóng cùng Thái Hoà, Kathy Uyên và Huy Me. Trong phim, với vai nữ hacker, Kaity Nguyễn sẽ lột xác và chứng tỏ cô không phải là diễn viên một màu. Tôi đặt rất nhiều niềm tin ở cô bé này.
Còn cặp đôi Kiều Minh Tuấn và Kaity sẽ tiếp tục tái xuất trong dự án Em trên 18. Đây không phải là phần hai của Em chưa 18 mà là câu chuyện hoàn toàn khác, dự kiến sẽ ra mắt vào đúng ngày phát hành của bộ phim năm nay là 28/4/2018.