Thời điểm này, tại TP Vinh (Nghệ An) dọc các tuyến phố đại lộ V.Lê Nin, đường 72m... nhiều nhà vườn đã nhập về hàng trăm gốc đào cổ thụ để phục vụ thị trường Tết.
Một số tiểu thương cho biết, năm nay thị trường mua sắm có phần trầm lắng hơn. Dù hàng đã về tập kết cả tuần nhưng mới chỉ bán lác đác hoặc cho thuê được số lượng thấp, chưa bằng 50% năm trước.
Dọc "phố hoa" đại lộ V.Lê Nin, gốc đào cổ thụ trăm tuổi được anh Phạm Văn Minh (SN 1987, trú thành phố Vinh) bày bán thu hút sự chú ý của người qua đường khi được trang trí tiểu cảnh, hòn non bộ... trông rất kỳ công.
“Gốc đào này trên trăm tuổi, cao khoảng 3m, tôi muốn bán với giá 300 triệu đồng, nếu cho thuê dịp Tết thì giá 150 triệu đồng. Cách đây hai hôm, có người trả 120 triệu đồng để thuê nhưng tôi chưa đồng ý”, anh Minh nói.
Cây đào cổ thụ trăm tuổi, được trang trí tiểu cảnh, hòn non bộ của anh Phạm Văn Minh. Ảnh: Việt Hòa |
Theo anh Minh, để nhìn nhận giá trị của cây đào cần phải dựa vào nhiều yếu tố như tuổi của cây, thân cây xù xì, độ to của gốc, thế, dáng cây...
Ngoài điểm bán trên đại lộ V.Lê Nin, anh Minh còn bày bán tại 2 điểm khác trên đường 72m với hàng trăm gốc đào cổ thụ đẹp mắt.
Chủ nhà vườn Ngọc Thắng (TP Vinh) chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc nên giá cây cảnh, trong đó có đào tăng cao. Tuy nhiên, khi nhập về để bày bán, giá vẫn được giữ như mọi năm.
“Năm nay kinh tế khó khăn, người dân thu nhập giảm sút nên sức mua cũng giảm đáng kể...”, chủ nhà vườn này chia sẻ.
Vườn đào cổ thụ của anh Minh thu hút nhiều người tới xem. Ảnh: Việt Hòa |
Những người kinh doanh đào cho biết, so với các cây cảnh khác như quất, bưởi, mai... đào Tết được nhập về muộn nhất. Nguyên nhân bởi nếu nhập về sớm, gặp tiết trời nắng nóng hoa nở sớm sẽ mất giá trị.
Thời điểm này một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đến mua hoặc thuê đào để chưng Tết. Theo dự đoán của các thương lái, phải sau ngày 20/12 âm lịch, người dân mới mua sắm nhiều hơn.
Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là Tết nhưng tại các điểm bán cây cảnh, số người mua khá ít. Ảnh: Việt Hòa |