Sau cơn lũ lịch sử thứ hai, vùng cửa biển Nhật Lệ, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) dài hơn 1km có hàng trăm người dân từ các nơi tìm đến vớt củi và gỗ trôi về.
Nhìn từ xa, hình ảnh của những bãi gỗ lớn và người đến vớt hòa cùng một màu đen kịt. Tiếng người nói như hét cũng chẳng thể nào át nổi sự "gầm rú" của sóng biển đập liên hồi, trắng xóa.
Khung cảnh ấy chỉ nhìn thôi cũng khiến người ta rùng mình, ớn lạnh. Vậy mà vẫn có hàng trăm con người đánh cược tính mạng của mình để đi vớt củi và gỗ.
Người dân đi vớt củi ở cửa biển Nhật Lệ. |
Ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1947), trú xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết, việc gỗ, củi theo dòng nước chảy từ thượng nguồn về đây nhiều như thế này là điều ít thấy. Từ nhỏ đến lớn, ông mới chỉ chứng kiến được 3 lần lũ lịch sử như vậy.
Mặc dù làm việc cật lực, nhưng ông Thanh vẫn cố hét to cho PV nghe được: “Tôi gần 70 tuổi, nhưng vẫn phải gắng đi vớt con ơi. Củi, gỗ từ trên thượng nguồn dạt về nhiều lắm – “Lộc trời” đấy”.
Việc người dân gọi đây là “lộc trời” khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi, lũ lụt đến, chỉ có mất mát, đau thương chứ mấy ai nghe, nó mang đến “lộc”.
Và để vớt được “lộc trời” thì không phải dễ dàng gì. “Muốn vớt được gỗ lớn và củi đẹp, phải lội nước ít nhất là đến đầu gối. Theo dõi thấy sóng sắp đánh vào, mình phải chuẩn bị tư thế mà vớt. Nếu không vớt được, những thanh củi và gỗ ấy sẽ bị đánh trôi đi nơi khác. Đi vớt củi cũng như đánh cược tính mạng mình với “hà bá””, một người dân đang vớt củi chia sẻ.
Người vớt củi từ khắp nơi đổ về |
Nghe vậy, tôi như chẳng tin vào tai mình nên hỏi lại: “Sao không để sóng đánh củi dạt lên bờ rồi lấy mà phải nguy hiểm tính mạng như vậy? Lỡ “thất thế”, bị sóng lớn đánh người ra xa thì làm thế nào?”.
Không cần suy nghĩ lâu, ông Trần Bình (SN 1958), trú phường Hải Thành (TP.Đồng Hới) trả lời ngay: “Chúng tôi hầu hết là dân biển, cũng có nhiều kinh nghiệm rồi. Cứ nhìn theo con sóng, nếu thấy nó gần tấp vào thì mình chạy nhanh lên bờ thôi”, ông Bình chia sẻ bí quyết.
Ông Bình vừa nói dứt lời, một người phụ nữ lớn tuổi khác đứng bên cạnh cũng góp thêm: “Thực ra nguy hiểm lắm cô ơi, nhưng không phải khi nào cũng có nhiều củi như vậy, đành phải tận dụng thôi.
Chứ sáng nay, có một bà suýt chết rồi đấy. Bà ấy thấy một thanh gỗ lớn nên cố với tay ra lấy. Không ngờ lúc đó có một con sóng to ập đến, bà bị ngã nhào xuống nước, toàn thân ướt sũng. May mắn lúc đó, có người nhìn thấy, kịp kéo tay bà ấy vào. Chứ nếu không, bà cũng bị sóng và củi nhấn chìm rồi”.
Việc tham gia vớt củi, không chỉ có người lớn mà ngay cả trẻ em, người già cũng huy động đến. Củi được vớt lên chất thành đống, nhiều nhà phải thuê ô tô đến chở về.
“Chỉ cần vớt được 2 xe ô tô, là có củi đun 5 năm không hết. Nhìn thế, chứ nếu bỏ tiền ra mua cũng vài triệu bạc, không ít đâu cô”, ông Bình cho biết.
Củi chất thành đống lớn ngay trên bờ biển. |
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, tình hình thiệt hại của tỉnh Quảng Bình trong cơn lũ lịch sử thứ nhất rất lớn khi có đến 22 người chết, hàng chục người bị thương. Trong cơn lũ thứ hai, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này cũng đã có tới 3 người chết, 1 người mất tích.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tử vong trong lũ hầu hết bắt nguồn từ sự chủ quan, lơ là đối với chính tính mạng mình, của người dân. Mặc cho nước lớn, họ vẫn đi đánh cá, đi vớt củi, đi qua các đập tràn nước chảy xiết...
Thực tế, trước khi lũ đến, các cơ quan cấp ngành, UBND tỉnh cũng đã có công điện; Chính quyền các cấp thông báo khẩn trên phương tiện truyền thông, đôn đốc nhắc nhở công tác phòng chống trước 2 ngày.
Trong đó nhấn mạnh, tuyệt đối không để người dân ra sông ra suối vớt củi, thả lưới, đi vào các vùng nước ngập sâu nguy hiểm,... Tuy nhiên, nhiều người vì mưu sinh, vẫn đánh cược tính mạng của mình để bắt cá, vớt củi. Đó phải chăng là một nguyên nhân, dẫn đến những hậu quả khôn lường?