Tôi và chồng cưới nhau đến giờ đã được tròn 10 năm và có hai con xinh xắn thông minh. Hai vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ lập nghiệp tại Hà Nội và có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá. Mọi người xung quanh đều nghĩ vợ chồng tôi hạnh phúc, viên mãn nhưng "ở trong chăn mới biết chăn có rận", sự thật thì hoàn toàn khác.
Như đã nói, cả hai đều có thu nhập không thấp, thậm chí lương của tôi còn cao hơn chồng. Nhưng anh ấy vẫn luôn vỗ ngực nói rằng mọi của cải vợ chồng có được đến bây giờ là hoàn toàn 1 tay chồng tạo nên. Và cũng vì thế mà chồng được quyết định mà không cần phải hỏi ý kiến vợ. Anh cũng cho rằng, tiền chồng làm ra nên chồng làm gì đó là quyền của chồng, vợ không nên can thiệp. Nếu tôi có góp ý thì chồng tôi còn bảo là vô duyên, nông cạn.
Chuyện tài chính đã thế, việc nhà chồng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ giúp đỡ vợ. Nếu tôi có phàn nàn, lập tức anh ấy nói rằng vợ không làm tròn bổn phận. Từ nấu nướng đến dọn dẹp đến con cái, tất cả đều do một tay tôi làm hết. Nếu con ốm thì anh ấy luôn mặc định tôi nghỉ ở nhà chăm con, không cần biết công việc của vợ thế nào, có sắp xếp được hay không.
Nếu con ốm thì chồng tôi luôn mặc định tôi nghỉ ở nhà chăm con, không cần biết công việc của vợ thế nào, có sắp xếp được hay không. (Ảnh minh họa) |
Trong quan hệ với gia đình hai bên, chồng tôi luôn đòi hỏi tôi phải chu toàn, phải giúp đỡ anh chị em chồng. Thậm chí có lúc chồng tôi còn cho em gái vay một khoản tiền lớn mà không hề hỏi qua ý kiến tôi. Nếu tôi có nói phải bàn bạc thì ngay lập tức chồng nói vợ ích kỉ, đố kị. Hai vợ chồng lấy nhau hoàn toàn tự lập mà không được nội ngoại giúp đỡ, tiền làm ra đều là mồ hôi, nước mắt của cả hai. Nhưng dường như anh ấy không nghĩ như thế.
Chồng tôi luôn tự cho mình cái quyền thoải mái phán xét nhà vợ, anh chị em vợ. Nhưng nếu tôi có nửa lời tỏ ý phàn nàn nhà chồng thì ngay lập tức anh xù lông lên và nói tôi không ra gì. Đối với anh, thì nhà chồng là số 1, bố mẹ chồng là số 1, nội tộc là số 1. Tôi thì phải lo lắng vẹn toàn cho bên nội còn nếu anh giúp nhà vợ chút việc thôi cũng đã kể công từ năm này qua năm khác.
Có một lần em gái tôi lên Hà Nội khám bệnh, ban đầu bệnh viện nghi u ác, cho làm xét nghiệm tế bào nên cả nhà vô cùng lo lắng và xót xa. Cả nhà ngoại khóc hết nước mắt, tôi cũng nằm khóc cả tối vì nghĩ khả năng bị u ác rất lớn. Trong khi đó chồng tôi thản nhiên như không, vẫn gọi điện cười nói rôm rả và đi ăn nhậu với bạn đến muộn mới về. Tôi không bắt anh phải buồn theo tôi nhưng dù gì đó cũng là em gái tôi, cũng gọi anh là một tiếng "anh". Vậy mà anh ấy không mảy may thương xót.
Chuyện chưa dừng lại ở đó. Trước đó vài ngày, chồng tôi đưa 10 triệu bảo gửi tiết kiệm. Tôi bảo:
- Nhà mình vẫn còn nợ anh họ thì anh trả cho anh họ đi cho gọn.
- Ôi dào! Anh họ nhiều tiền, chưa cần trả vội.
Ấy thế mà khi nghe tin bệnh tình của em gái tôi, sáng hôm sau chồng tôi đã bảo tôi đưa lại số tiền đó để trả nợ anh họ vì anh ấy đòi rồi. Tưởng anh họ có việc đột xuất nên tôi cứ đưa cho chồng trả mà không nghĩ gì thêm. Thế nhưng hôm sau gặp chị dâu, vợ của anh họ thì chị ấy bảo: "Cô chú chưa có thì cứ từ từ trả anh chị cũng được chứ sao phải vội trả ngay thế. Anh chị cũng không có gì cần gấp mà". Tôi điếng người, hóa ra chồng tôi sợ tôi sẽ lấy tiền cho em tôi khi cô ấy nhập viện.
Mỗi lần vợ chồng cãi nhau thì câu trước câu sau là chồng tôi tuôn ra hàng loạt lời mạt sát, vô cùng khó nghe. Không những thế, chồng tôi còn không là cầu nối trong quan hệ giữa tôi và nhà chồng mà anh lại thường xuyên trở thành trung tâm mọi sự rắc rối giữa tôi và nhà chồng. Suốt 10 năm qua, là dâu trưởng nhưng tôi chưa từng một lần được có tiếng nói trong mọi việc của gia đình.
Tôi đã thực sự phát ngán với cái cảnh chồng và nhà chồng như thế này rồi. Nhiều lần tôi đã viết đơn li hôn nhưng chồng không kí. Anh còn nói, nếu li hôn thì tài sản chung sẽ đốt hết, cả hai làm lại từ đầu. Tôi không e ngại lời dọa dẫm đó nhưng chỉ vì thương con mà lại nhẫn nhịn. Hàng ngày hai vợ chồng chẳng nói với nhau được mấy câu. Tôi cũng không còn quan tâm đến chồng nữa, chỉ lo con và kiếm tiền để chờ ngày "tuyên bố độc lập" mà thôi.