220 triệu trọn gói trang trí tiệc cưới tại khách sạn
Văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam khiến đám cưới ngày nay có nhiều sự đổi thay với thời trước. Xu hướng đám trang trí đám cưới kiểu Tây hiện đại, theo tông màu được đề cao khiến các nhà cung cấp, dịch vụ trang trí cưới hỏi, wedding planner mọc lên “như nấm sau mưa”. Thế nhưng để sở hữu một đám cưới lộng lẫy như “ngôn tình trong cổ tích”, mỗi cặp đôi phải chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu cho các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Ảnh minh họa |
Sắp đến ngày trọng đại, anh Minh, chị Hằng (Hà Nội) đi khắp các con phố “cưới hỏi” để tìm kiếm wedding planner ưng ý. Thông thường, khách sạn tổ chức tiệc cưới đã có dịch vụ trang trí đi kèm khi anh chị đặt cỗ. Nhưng cách trang trí truyền thống không đẹp, nguyên vật liệu khá cũ khiến anh chị đành cất công tìm đến dịch vụ trang trí. Càng đi nhiều nơi, anh chị càng choáng váng với giá cả của dịch vụ này.
“Các dịch vụ hiện nay có biên độ giá dao động khá lớn, nhìn chung đều khá đắt đỏ. Riêng trang trí tại nhà với vài bộ bàn ghế, phông ăn hỏi, hoa, đèn thôi mà gói rẻ nhất cũng 6 triệu, tiếp theo là các “gói cao cấp” 10 triệu, “gói VIP” 14 triệu, “gói 5 sao” 20 triệu. Trang trí tại khách sạn còn đắt đỏ hơn, từ 10 triệu đến trên 200 triệu tuỳ vào mức độ hoành tráng, vật liệu, số lượng hoa tươi và cả chủng loại hoa tươi. Trung bình để có một tiệc cưới được tặng gói trang trí trọn gói hiện nay với số lượng bàn tiệc trung bình khoảng 35 bàn, sẽ cần một khoản chi phí từ 40 đến 60 triệu đồng. Cụ thể, nếu sử dụng hoa giấy, giá sẽ từ 10 – 30 triệu/gói, hoa lụa từ 35 – 60 triệu/gói, hoa tươi từ 80 đến 220 triệu/gói. Đó mới là giá của các wedding planner tầm trung, có những đám cưới với hoa tươi phải mất 100 triệu với tiệc trong nhà và từ trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng cho tiệc ngoài trời. Chưa hết, các gói trang trí này chưa bao gồm thuê xe, âm thanh, quay phim chụp hình… vậy mà vẫn phải xếp hàng, đặt lịch trước cả tháng” – anh Minh cho biết.
Đắt đỏ và xa xỉ, dịch vụ này không phổ biến với số đông, nhưng lại có lượng khách khá ổn định do quan niệm “cả đời mới cưới một lần, cần làm cho đặc biệt” của các cặp đôi. Đặt lịch với các wedding planner cũng y như đặt cỗ, các cô dâu chú rể phải lựa chọn trước hàng tháng trời. Tại cửa hàng H.G, nhân viên tư vấn cho biết: “Dù giá cao hơn toàn bộ các cửa hàng khác trong phố, em vẫn phải ký hợp đồng với khách trước 1 tháng vì khách khá đông. Ví dụ như gói “Royal Home 1” có giá 5,9 triệu là giá đặt trước 1 tháng, khách đặt gần sát ngày sẽ có giá khác là 6,5 triệu. Vào mùa cao điểm, nếu đã kín lịch em đành phải từ chối để đảm bảo thời gian cho các khách đã ký hợp đồng”.
Trang trí đám cưới có gì mà tốn nhiều tiền như vậy?
Giải thích về giá thành quá cao, nhân viên này cũng cho biết: “Hiện nay các đôi đều thuộc thế hệ cuối 8x, đầu 9x. Họ thường xuyên được cập nhật các lễ cưới từ nước ngoài nên cũng muốn chú trọng làm đẹp như thế. Các vật trang trí này đều thuộc sản phẩm thủ công cùng tông màu chủ đề với bữa tiệc nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu không dễ dàng. Việc tạo hình cho sản phẩm cũng phức tạp không kém nên không phải ai cũng làm được. Các đơn vị khác em không đảm bảo, nhưng sản phẩm trang trí bên em đều sử dụng một lần rồi bỏ đi. Quan trọng là trước ngày cưới, cô dâu chú rể còn phải lo trăm việc không có đủ thời gian để làm việc này”.
Anh Hùng, chủ một đơn vị khác cũng giải thích về các gói tiền tỷ trang trí sân khấu ngoài trời mà anh đã làm: “Riêng tiền hoa đã lên tới hơn 800 triệu mới đảm bảo khâu làm đẹp cho không gian cưới đầy lãng mạn tại khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, chưa kể những phụ kiện decor khác đi kèm như nến, đèn, lụa, pha lê…Hoa hồng vẫn là loại hoa có mặt trong mọi đám cưới nhưng kết hợp với đó còn có nhiều loài hoa khác như lan tường, cúc chùm, phong lan và thậm chí là hoa đồng nội. Để tôn lên vẻ đẹp của hoa, các phụ kiện decor đi kèm được chuyên gia lựa chọn phù hợp với ý tưởng chủ đạo như ánh sáng, nến, đèn, cây cối, pha lê…”.
Ảnh minh họa |
Không phải cứ đắt là hay
Hầu như chúng ta đã quen với việc đặt tiệc cưới trọn gói. Cô dâu, chú rể chỉ cần chọn những dịch vụ phù hợp, thỏa thuận giá cả và đặt cọc tiền, thế là xong. Cách làm này rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Nhưng khách mời thường có cảm giác mình dự những bữa tiệc cưới chỉ có cô dâu, chú rể là khác còn lại thì na ná nhau về cách tổ chức lẫn trang trí, hoàn toàn không mang dấu ấn riêng.
Trên thực tế, các tân lang tân nương không cần sử dụng dịch vụ đắt đỏ mới có được đám cưới kiểu Tây. Theo những người trong nghề, đám cưới kiểu Tây có trăm, ngàn phong cách từ rẻ đến sang trọng. Mỗi tiệc cưới cần có một phong cách cụ thể, sau đó chủ nhân mới lựa chọn chất liệu. Ví dụ đám cưới từ năm 2012 đến năm 2014 chủ yếu là sự trỗi dậy của phong cách Vintage (cổ điển) và Princess style (ngọt ngào) với tông màu pastel cần nhiều hoa tươi. Nhưng năm 2015 phong cách Rustic thô ráp và mộc mạc cần nguyên liệu trang trí như rơm rạ, cành khô, rễ cây, gỗ, rêu xanh…lại được nhiều người ưa thích. Những nguyên liệu này rẻ hơn hoa, việc trang trí cũng không quá cầu kỳ nên cô dâu chú rể hoàn toàn có thể tự trang trí với chi phí khoảng từ 5 – hơn 10 triệu đồng.
Ngoài ra, cô dâu chú rể có thể lựa đám cưới “handmade” để đám cưới thêm phần ý nghĩa. Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Hà Nội) vui vẻ chia sẻ: “Các wedding planner thường khuyên cô dâu chú rể không tự tay trang trí vì nhiều rủi ro, tiệc cưới có thể sẽ thành thảm họa. Thực ra họ cung cấp dịch vụ nên nói như vậy. Đám cưới của mình do 2 vợ chồng tự trang trí với sự giúp sức của bạn bè, làm hết trong 3 ngày. Mình tìm mua nguyên liệu ở Hàng Mã, Hàng Lược. Hoa tươi tìm đến tận vườn mua với số lượng lớn nên giá khá rẻ. Sân khấu, đường dẫn, khu vực chụp hình trông mộc mạc, có phong cách riêng của 2 người nên bạn bè rất thích thú, hoàn toàn khác với các đám cưới khác. Thêm vào đó, đám cưới của mình cũng trở nên ý nghĩa hơn”.