Những cơn sốt nóng nghìn tỷ USD trong năm 2024
Kinh tế thế giới năm 2024 chứng kiến những biến chuyển lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Ngay đầu năm 2024, ChatGPT đã làm rung chuyển thế giới sau hơn một năm âm thầm ra mắt, không kèn trống khai trương hay những lời tuyên bố thay đổi thế giới.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do OpenAI phát triển dựa trên mô hình Transformer của Google, một sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp con người tạo các cuộc trò chuyện tự động và trả lời các câu hỏi về nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau.
Ngay lập tức, ChatGPT trở thành cơn bão lớn trong giới công nghệ, rầm rộ hơn thời Netscape mang Internet đến, Facebook tạo ra không gian cá nhân hay iPhone mang thế giới vào tầm tay mỗi người...
Kể từ khi ChatGPT tạo ra làn sóng AI, chỉ trong năm 2024, vốn hóa của công ty sản xuất chip AI Nvidia của CEO Jensen Huang tăng thêm vài nghìn tỷ USD, lên mức 3.500 tỷ USD và trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn nhất toàn cầu, vượt qua Apple và Microsoft.
Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) kéo dài tới bao giờ? Ảnh: FF |
Bản thân Microsoft và Apple cũng có vốn hóa tăng thêm cả nghìn tỷ đồng. Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng tăng gấp đôi, lên 1.450 tỷ USD.
Nhóm BigTech trên thế giới tăng vọt nhờ làn sóng AI.
Cùng với sự bứt phá của nhóm cổ phiếu công nghệ, thị trường cổ phiếu Mỹ có một năm ấn tượng. Các chỉ số tầm rộng S&P 500, công nghệ Nasdaq Composite và công nghiệp Dow Jones có hàng chục lần lập đỉnh cao mới trong năm 2024, tăng thêm 20-40%. Riêng vốn hóa S&P 500 tăng thêm khoảng 15.000 tỷ USD.
Thị trường tiền số cũng sôi sục, nhưng tập trung chủ yếu vào Bitcoin. Mã này tăng gấp 2,5 lần kể từ đầu năm, từ khoảng 40.000 USD lên mức 106.000 USD/BTC như hiện nay. Vốn hóa tài sản này hiện gần 2.090 tỷ USD.
Chứng khoán Mỹ và tài sản số năm nay cũng tăng vọt nhờ lực đẩy đến từ cổ phiếu của Jensen Huang, Elon Musk... hay những tuyên bố của ông Donald Trump và cú đảo chiều chính sách tiền tệ của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Giá vàng cũng có một năm bứt phá 30-35%, với hơn 40 lần lập kỷ lục trong năm 2024, có lúc lên gần 2.790 USD/ounce. Tổng giá trị vốn hóa, tính theo dự trữ vàng của các quốc gia trên thế giới, đạt khoảng 18 nghìn tỷ USD. Mức tăng thêm trong năm 2024 là khoảng 5.400 tỷ USD.
Tỷ phú Elon Musk và Jensen Huang. Ảnh: BI |
Rủi ro bong bóng tài sản
Thị trường chứng khoán Mỹ hôm 17/12 (đóng cửa rạng sáng 18/12 giờ Việt Nam) giảm phiên thứ 9 liên tiếp, chỉ số Dow Jones chứng kiến chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 1978. Cùng với sự giảm mạnh của cổ phiếu đình đám Nvidia những phiên cuối năm, đây là tín hiệu khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Có thể thấy, không có tài sản nào có thể tăng liên tục mãi, nhất là khi chứng khoán Mỹ, tiền số, vàng... đã bùng nổ, lập đỉnh vài chục lần trong năm 2024. Trên thực tế, tháng 12, các cổ phiếu nhóm Nasdaq Composite vẫn tiếp tục tăng nhưng Dow Jones và S&P 500 đang giảm mạnh.
Một thị trường chứng khoán Mỹ giảm trong những tháng đầu ông Donald Trump nắm quyền (từ 20/1/2025) hay giảm trong cả năm tới là điều mà chắc chắn vị tổng thống thứ 47 của Mỹ không muốn. Trong nhiệm kỳ 1, ông Trump luôn tìm cách thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên, kể cả ép Fed thay đổi chính sách tiền tệ.
Biến động giá Bitcoin trong năm qua. Tổng vốn hóa lên gần 2.100 tỷ USD. |
Dòng vốn đổ vào lĩnh vực AI trong vài năm qua, đặc biệt năm 2024, là rất lớn nhưng hiệu quả sinh lời thương mại chưa nhiều.
Giới đầu tư lo lắng trước một nền kinh tế thế giới khá bất định, với những chính sách khó lường của tổng thống thứ 47 của Mỹ Donald Trump, về thuế thương mại, hay cuộc đua đốt tiền vào lĩnh vực AI.
Rủi ro của kinh tế thế giới còn là lạm phát có xu hướng tăng trở lại, Fed có thể thận trọng hơn với tốc độ của chu kỳ giảm lãi suất lần này; tín hiệu gói kích thích khổng lồ của Trung Quốc chưa tích cực...
Dù vậy, ở chiều ngược lại, nhiều tổ chức có cái nhìn tích cực. Các ngân hàng lớn như Barclays và JPMorgan đều cho rằng, chứng khoán Mỹ có chao đảo nhưng sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2025 nhờ sức bền bỉ của nền kinh tế, thu nhập và chi tiêu người dân Mỹ vẫn mạnh mẽ, lợi nhuận của doanh nghiệp khi được ông Trump giảm thuế.
Khả năng ông Trump tung ra chính sách thúc đẩy khai thác dầu khí có thể sẽ kéo giá năng lượng giảm, qua đó kìm hãm được lạm phát và thúc đẩy tiêu dùng.