Dòng chim săn mồi gồm có các loài như: Đại bàng, chim ưng, chim cắt, đại bàng ưng... Đây đều là những loài chim lớn, có bản tính hung dữ. Đặc điểm nổi bật nhất của chúng là đôi mắt rực sáng, bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc.
Theo tìm hiểu, việc huấn luyện chim săn mồi bắt nguồn từ Trung Đông, du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay. Những năm gần đây, cộng đồng người nuôi chim săn mồi ở Việt Nam ngày một lớn mạnh, thường tập trung chơi theo nhóm.
Các con chim săn mồi thường được gọi là "trinh sát trên không", bởi vận tốc của chúng thường rất cao tùy chủng loại.
Đã có kinh nghiệm gần 10 năm trong việc nuôi, huấn luyện chim săn mồi, anh Dương Tiên Sinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), dành khoảng 1-2 tiếng vào buổi sáng để chăm sóc những chú chim săn mồi của mình. Để sở hữu những "sát thủ bầu trời", người chơi phải có giấy phép hợp pháp.
Nhóm cùng chơi các loại chim săn mồi của anh Sinh có khoảng 5 anh em thường xuyên tham gia huấn luyện, biểu diễn chia sẻ về việc nuôi chim.
Trong một buổi huấn luyện ngoài trời, những chú chim săn mồi thường phải trải qua 4 bài tập: Đứng và ăn trên găng, qua tay, vồ mồi trên không và tập chế độ săn tự nhiên.
"Để chinh phục các loài chim dữ như chim ưng, đại bàng, chim cắt, những người chơi chim phải mất ít nhất 3-6 tháng để làm quen. Huấn luyện chim không nóng vội được, phải từ từ như chăm con mọn. Huấn luyện dài ngày, dần dần chim sẽ nghe lời bay trên bầu trời, khó hơn là tấn công con mồi trên không.
Để huấn luyện chim săn mồi cũng gặp không ít khó khăn, từ khâu tìm bãi đất trống cho tới tìm mua các thiết bị cho chim. Ở Việt Nam bộ môn huấn luyện chim săn mồi cũng chưa được phát triển rộng rãi như các nước khác", anh Sinh chia sẻ.
Ngoài tiền mua chim ra các dân chơi chim còn đầu tư những máy móc hiện đại như Flycam dùng mục đích huấn luyện chim săn mồi. Còn có các thiết bị gắn trên người chim như định vị GPS, các vật dụng bịt mặt, găng tay...
Một chú chim có giá khoảng 800.000 - 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, bộ định vị GPS gắn trên người chim lên tới 30.000.000 đồng.
Anh Trần Huy Hoàng (Tây Hồ, Hà Nội) đã có 6 năm kinh nghiệm huấn luyện chim săn mồi, anh đã mua những chú chim từ khi còn rất nhỏ để việc huấn luyện dễ dàng hơn.
"Nuôi chim săn mồi bắt buộc người chơi phải học hỏi những kiến thức về tập tính, thức ăn, đặc điểm đặc biệt của từng loài.
Trong khi huấn luyện phải nhẹ nhàng dần dần "mưa dầm thấm lâu" nếu nóng vội chim sẽ không nghe lời mà dễ bỏ đi. Quan trọng phải cho chim ra ngoài bay thường xuyên, bởi chim săn mồi vốn là loài thích bay lượn, nếu nhốt trong lồng quá lâu, chim sẽ dễ bị bệnh", anh Hoàng chia sẻ.
Thường thức ăn của các loại chim săn mồi thường là thịt sống, loại thịt có xương như chim cút, bồ câu... Người nuôi phải hạn chế tối đa các loại thức ăn có nhiều mỡ, giàu đạm. Người nuôi sẽ phải chia thức ăn chia theo tỉ lệ bằng 1/10 trọng lượng của chim trên một ngày.