Ngày 19/8 vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chính thức công bố chiến lược kinh doanh giai đoạn 2013-2015 và kế hoạch tái cấu trúc cho các nhà đầu tư. Theo ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, chiến lược kinh doanh và kế hoạch tái cấu trúc lần này được xem như cuộc đại phẫu lớn. HAGL sẽ tiến hành chia tách công ty khai thác gỗ, đá và các dự án căn hộ lợi nhuận thấp tại Việt Nam khỏi công ty mẹ, nhằm giảm nợ xấu để làm đẹp bản báo cáo tài chính.
Đánh giá về động thái này của bầu Đức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng đây là bước đi rất khôn ngoan của ông chủ Tập đoàn HAGL trong bối cảnh hiện nay. “Giống như phẫu thuật ở người, những khối u nhọt có khả năng gây bệnh thì phải phát hiện sớm, tiến hành cắt bỏ để cơ thể được khỏe mạnh hơn. Đối với doanh nghiệp cũng vậy, cần có tầm nhìn, khi doanh nghiệp có vấn đề phải tiến hành bóc tách, tái cơ cấu lại để phát triển”, ông Phong nói.
Chung quan điểm với ông Phong, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cũng nhìn nhận, bước đi của bầu Đức rất tỉnh táo và kịp thời. Ông Doanh cho biết: “Trong thời điểm gặp khó như hiện nay, muốn phát triển, tất các các doanh nghiệp đều phải tái cấu trúc về mọi mặt, tùy theo điều kiện của thị trường để tái cấu trúc lĩnh vực kinh doanh, sản xuất đồng thời tiến hành tái cấu trúc về tài chính trong đó có tái cấu trúc nợ, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn và cả các khoản nợ trong nội bộ hay tái cấu trúc về quản trị của mình…Tôi thấy một điểm mà doanh nghiệp Việt Nam rất kém đó là không có bộ phận về quản lý rủi ro và chiến lược rút lui. Do vậy, việc ông Đức mạnh dạn bóc tách, dần rút chân khỏi những lĩnh vực đưa lại lợi nhuận thấp là việc làm rất tỉnh táo, kịp thời”.
Bầu Đức quyết định "đại phẫu" HAGL |
Về cuộc đại phẫu của HAGL, chia sẻ với báo chí trước đó, bầu Đức cho biết đợt tái cấu trúc lần này có thể xem là cuộc đại phẫu sâu rộng, đôn nông nghiệp và bất động sản lên thành hai nắm đấm chiến lược. Ở mảng thủy điện, tập đoàn chỉ giữ lại và tiếp tục đầu tư các dự án tại Lào. Trước đó, tập đoàn này đã bán xong 6 dự án thủy điện tại Việt Nam, mang về doanh thu 2.099 tỷ đồng.
Cụ thể, mảng nông nghiệp, HAGL vẫn tập trung vào cao su, cọ dầu và mía đường, về mảng bất động sản , doanh nghiệp này chỉ giữ lại khu phức hợp Myanmar, khu căn hộ tại Bangkok và một số dự án tốt tại Việt Nam. Những dự án có tỷ suất sinh lời thấp sẽ được quy về một mối cho Công ty An Phú xử lý nợ.
Theo kế hoạch, bầu Đức sẽ đứng ra bảo lãnh cho An Phú vay tiền của Tập đoàn HAGL, tức công ty mẹ, 3.083 tỷ đồng để thanh toán các khoản mua công ty con và các dự án bất động sản. Cuối cùng là bước bán cổ phần công ty An Phú, tổng giá trị chào bán khoảng 360 tỷ đồng. Công ty mẹ sẽ chi cổ tức để cổ đông có nguồn tiền mua cổ phần Công ty An Phú.
Với ngành gỗ từng một thời là nắm đấm chủ lực của tập đoàn cũng được tái cấu trúc. Công ty gỗ cũng tiến đến tách dần khỏi tập đoàn HAGL bằng hình thức bán cổ phần cho cán bộ công nhân viên, tập đoàn chỉ giữ lại 20%. Riêng khoáng sản HAGL cũng tính chuyện thu hẹp hoạt động.
Bầu Đức giải thích, mục tiêu chính của cuộc đại phẫu là đến cuối năm 2013 nợ vay của tập đoàn sẽ điều chỉnh xuống dưới 10.000 tỷ đồng (đã trừ lượng tiền mặt hơn 2.370 tỷ đồng). Nếu so số nợ này với vốn chủ sở hữu trên 13.000 tỷ đồng, HAGL sẽ có báo cáo tài chính sạch đẹp. Số tiền thu từ việc bán các khoản đầu tư đến cuối tháng 8/2013 là 2.100 tỷ đồng.
Việc tách các công ty con sở hữu những dự án không sinh lời cao sẽ giúp cho báo cáo tài chính hợp nhất của HAG giảm được số dư nợ vay, cải thiện các chỉ số tài chính. Ngoài ra, Công ty phát triển nhà Hoàng Anh giữ lại khu phức hợp tại Myanmar và một vài dự án tốt tại Việt Nam sẽ làm tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư, dễ dàng huy động vốn, IPO... trong tương lai.