Binh sĩ Đài Loan diễn tập tác chiến. |
Cuộc tập trận mô phỏng một cuộc đột kích bất ngờ của quân đội Trung Quốc vào năm 2017, mở màn cho cuộc xâm lược hòn đảo với quy mô lớn hơn, “Bộ Quốc phòng” Đài Loan nhấn mạnh. Tuy nhiên, Đài Loan không giải thích lý do tại sao họ chọn 2017 là năm Trung Quốc xâm lược hòn đảo theo kịch bản.
Tuy nhiên, giới quan sát lý giải, khung thời gian trên là hợp lý nếu đối chiếu với sự phát triển quân sự liên tục của Trung Quốc và các tranh chấp lãnh thổ của nước này với các quốc gia láng giềng.
"Sắp tới, Trung Quốc sẽ triển khai nhóm tác chiến tàu sân máy bay đầu tiên, máy bay tàng hình và tàu đổ bộ tấn công 081. Khả năng đổ bộ của Trung Quốc nhờ vậy sẽ gia tăng đáng kể. Đặc biệt là khi các lực lượng quân sự của nước này được trang bị các tàu tấn công đổ bộ, được thiết kế không chỉ để vận tải, chống tàu ngầm mà còn tấn công bằng trực thăng", Tổng biên tập Cheng của Tạp chí Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở ở Đài Bắc nhấn mạnh.
Các tàu tấn công đổ bộ có khả năng được sử dụng trong các tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các láng giềng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Cheng cảnh báo.
Ngoài ra, ông Cheng cũng báo động về mối đe dọa xuất phát từ việc Trung Quốc triển khai tới 1.500 tên lửa hành trình và đạn đạo nhắm vào mục tiêu Đài Loan. Hơn nữa, các tên lửa Trung Quốc còn ngày càng được nâng cấp về độ chính xác.
Trong khi đó, căng thẳng Trung-Đài tại eo biển Đài Loan bắt đầu hạ nhiệt kể từ khi chính quyền Trung Quốc tỏ ra thân thiện với nhà lãnh đạo Đài Loan, Mã Anh Cửu. Ông Mã bắt đầu nắm quyền lãnh đạo hòn đảo kể từ năm 2008 và chủ trương tăng cường các liên kết thương mại và du lịch. Nhà lãnh đạo Mã vừa tái đắc cử năm ngoái. Dù vậy, mối đe dọa bị Trung Quốc xâm lược đối với hòn đảo vẫn còn.
“Trong vài năm qua, quan hệ xuyên eo biển đã được cải thiện và các quan hệ giao lưu dân sự đã được củng cố. Nhưng mối đe dọa quân sự từ Đại lục đối với Đài Loan không hề giảm đi”, Thiếu tướng quân đội Đài Loan Tseng Fu-hsin nhấn mạnh.