Đẳng cấp chơi địa lan Trần Mộng
Theo anh Dương Toàn Thắng (cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa), một trong những người đam mê trồng địa lan Trần Mộng lớn nhất Sa Pa, vị đại gia này là khách quen của vườn anh, năm nào cũng đặt những chậu lan to đẹp nhất của Sa Pa về làm quà tặng. Năm nay, vị đại gia này "tậu" hẳn 4 chậu lan đều trên 60 cành trị giá hơn 200 triệu đồng của vườn anh Dương Đình Thắng. Trong đó, 1 chậu làm quà biếu, còn 3 chậu khác là lấy hộ bạn ở Vĩnh Phúc.
Chậu địa lan mà vị đại gia Vĩnh Yên này mua được là một trong 10 chậu địa lan Trần Mộng đẹp nhất của vườn anh Dương Toàn Thắng. Anh Thắng cho biết, đây là chậu lan Trần Mộng Xuân 68 cành được bán với giá khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thắng còn một chậu hoa "khủng" hơn khoảng 100 cành nhưng không đạt được các tiêu chí về địa lan đẹp nên đang rao bán với giá khoảng 30 triệu đồng. Ba chậu lan trên 50 cành khác cũng được rao bán với giá khoảng 40 triệu đồng/chậu.
Một góc vườn địa lan Trần Mộng của anh Dương Toàn Thắng. |
Anh Thắng chia sẻ, trước đó, anh đã từng bán một chậu địa lan Trần Mộng lớn và đẹp nhất Sa Pa với 70 cành cho một đại gia ở Thanh Hóa với giá 65 triệu đồng.
Anh Dương Toàn Thắng hiện đang sở hữu vườn lan Trần Mộng rộng khoảng 1.000 m2. Tuy nhiên, theo anh Thắng, lượng hoa đạt tiêu chuẩn không nhiều nên anh vẫn phải đi mua thêm địa lan về mới đủ phục vụ nhu cầu của khách. Mỗi năm vườn địa lan của anh cho ra thị trường khoảng 300 chậu. Anh Thắng dự tính, vụ hoa Tết năm nay gia đình anh sẽ thu về không dưới 1 tỷ đồng tiền bán hoa địa lan Trần Mộng.
Năm nay, Sa Pa cũng đưa ra thị trường khoảng 2.500 chậu địa lan Trần Mộng cả xấu và đẹp, trong đó có khoảng 1.500 chậu khá trở lên. Mặc dù thời tiết nhiều mưa tuyết và sương muối nhưng các nhà vườn đều đã chuyển tránh rét từ trước nên địa lan không bị thiệt hại là mấy. Đây cũng là lý do khiến giá địa lan Tết năm nay không cao hơn những năm trước. Giá hoa trung bình mỗi cành địa lan từ 300 - 500.000 đồng. Loại cành đẹp xuất sắc có giá trên 500 - 1 triệu đồng/cành. Loại trên 100.000 đồng/cành cũng có nhưng loại đó các nhà vườn thường cắt bỏ cành để giữ giống cho năm sau.
Đã chơi là sẽ "nghiện"
Khách chơi địa lan chủ yếu đến từ các tỉnh thành phố như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai. Các tỉnh khác như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình khách chơi ít hơn.
Địa lan Sa Pa được coi là vua của các loài lan, tuy giá cành lan Trần Mộng không đắt bằng cành lan Đà Lạt hay lan nhập khẩu nhưng một chậu địa lan Sa Pa lại có giá gấp nhiều lần lan Đà Lạt hay lan nhập khẩu. Khách đã chơi địa lan Trần Mộng gần như sẽ "nghiện" bởi vẻ đẹp và độ bền của hoa. Chơi địa lan thể hiện sự "đẳng cấp" về chơi hoa Tết bởi không phải ai cũng bỏ tiền ra chơi được.
Những vị khách chơi địa lan lâu năm rất khó tính trong việc chơi hoa, người chơi sành điệu không quan trọng giá của một cành địa lan mà chỉ quan tâm đến độ bền đẹp thật sự của một chậu hoa dù ít hay nhiều cành. Còn giới đại gia và lãnh đạo cấp cao thì quan tâm đến độ "khủng" của chậu hoa, chậu càng xuất sắc thì càng được giá.
Chậu địa lan Trần Mộng trị giá khoảng 50 triệu đồng của vườn anh Dương Toàn Thắng. |
Địa lan trước đây được lấy từ rừng, nhưng hiện nay chủ yếu được nhân giống bằng cách tách chậu. Một chậu to có thể tách được 10 - 20 chậu nhỏ, trồng sau khoảng 2 - 3 năm thì cho hoa đẹp, trồng càng lâu chậu hoa càng to và càng nhiều bông.
Ở Sa Pa, có rất nhiều hộ dân trồng địa lan nhưng trồng để bán được nhiều thì chỉ có một số nhà vườn ở quanh thị trấn Sa Pa. Những hộ dân người dân tộc ở các xã khác cũng trồng địa lan nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Theo anh Thắng, trồng và kinh doanh địa lan mang lại nguồn thu nhập khá cao nhưng rủi ro lại rất lớn. Đây cũng là một nghề khá mạo hiểm bởi dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt ở Sa Pa có thể khiến nhiều hộ dân mất trắng.