Bầu Đức: 10 năm chăn trâu, kéo cày
Trước khi trở thành đại gia được nhiều người biết đến, ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức từng có thời gian vất vả. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, công việc hàng ngày của bầu Đức sau thời gian học là chăn trâu. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, bầu Đức chỉ có tâm nguyện duy nhất là học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn.
Bầu Đức từng có 10 năm chăn trâu, kéo cày. Ảnh: Saostar |
Năm 1982, bầu Đức vào TP HCM thi đại học, nhưng cả 4 lần đi thi, bầu Đức đều không đạt kết quả như ý muốn. Không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.
22 tuổi, bầu Đức đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng. Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, để tạp dựng tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay.
“Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Bẻ ngô, nuôi lợn
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ đi học của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch, lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km suốt 9 năm đến trường.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Người lao động |
Khi học y đến năm thứ 3, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chợt nhận ra mình không muốn làm bác sĩ, và bỏ học tìm mọi cách đến với cà phê. Năm 1996, cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", là một cơ sở vài m2, chiếc máy rang thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và giao cà phê rang xay cho các quán khác.
Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên được nhiều người biết đến.
Doanh nhân Đào Hồng Tuyền: dọn chuồng lợn, bưng bia
Trước khi được mệnh danh là 'chúa đảo" Tuần Châu, doanh nhân Đào Hồng Tuyển từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông ở lại TP HCM lập nghiệp. Công việc của ông Đào Hồng Tuyển trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu.
"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Ảnh: Internet |
Thậm chí, nhiều lúc ông phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên và trên chính ngoài thềm ngôi nhà tại TP HCM của mình bây giờ.
Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển thực hiện dự án được xem là "điên rồ" nhất thời đó khi đổ 80 tỷ đồng lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại được khai thác 98 ha đất trên đảo. 3 năm sau, con đường hoàn thành, 15 năm tiếp theo là thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đó, người ta gọi ông là “Chúa đảo Tuần Châu".