Không ít phụ huynh còn bỏ ra hàng ngàn USD để mua quần áo, đàn, các vật dụng để thể hiện mình và con là đại gia Việt thực thụ.
Cha mẹ đua nhau đưa con đi học làm ‘quý tộc’ (ảnh mang tính minh họa). |
Chi tiền khủng sở hữu ‘bằng quý tộc’
Có lẽ qua rồi cái thời các đại gia Việt ‘khoe’ mức độ giàu sang, chịu chơi của mình bằng hàng hiệu, xe sang và cách đốt tiền không tiếc tay. Thay vào đó, họ bắt đầu chú ý tới việc nâng cao ‘đẳng cấp’ bản thân, đầu tư cho con tham gia vào các lớp học dạy cách làm… quý tộc. Do đó, họ không tiếc tiền đầu tư trang thiết bị để phục vụ cho việc lấy ‘bằng quý tộc’ của con mình.
Không giấu được sự tự hào về tầm nhìn sáng tạo cho tương lai của con trai mình, chị Trần Thị Nguyệt (32 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) khoe: ‘Vợ chồng tôi có một xưởng làm nhôm kính, cũng có vài chục nhân viên. Tuy nhà cao cửa rộng, xe sang nhưng chúng tôi vẫn bị nói là nông dân, quê mùa. Vì thế, dù con trai mới được 4 tuổi, chúng tôi bàn với nhau đầu tư để cháu trở thành ‘công tử’ chính hiệu và có cách nói chuyện, ứng xử theo kiểu thượng lưu đúng nghĩa ngay từ nhỏ’.
Để làm được điều này, chị Nguyệt bắt đầu sắm cho con những bộ trang phục của các thương hiệu nổi tiếng. Sau đó, thuê một cô giáo dạy cháu cách đi đứng, giao tiếp bằng mắt, cách bắt tay, cúi chào sao cho đúng ‘điệu’, thậm chí, cả cách gắp thức ăn cho người khác trên bàn tiệc để thể hiện đúng ‘bản chất quý tộc’. Cứ cuối tuần, chị lại dẫn con đi tập chơi golf. Chưa dừng lại ở đó, chị còn bỏ ra gần trăm triệu đồng mua cho con một chiếc đàn piano trước ánh mắt ngưỡng mộ của của láng giềng và đám công nhân trong xưởng.
Khát khao có được tấm ‘bằng quý tộc’ cho con trai, chị Nguyệt cho rằng, học các lớp mầm non là vô ích. Chị tìm hiểu rất kỹ và quyết định cho con trai mình học chơi golf. Chị tìm đến một lớp học đánh golf cấp tốc. Lớp học này chỉ đại gia mới đặt chân đến được. Giá học ở đây cũng rất ‘quý tộc’, với chi phí khoảng 15 triệu đồng/tháng. ‘Theo tôi được biết, con nhà quý tộc bên các nước phương Tây họ chơi golf rất chuyên nghiệp. Ở Việt Nam thì ít lắm. Con mình học được thì đầy người phải ngưỡng mộ. Dù có phải tốn kém bao nhiêu, vợ chồng tôi cũng chấp nhận’.
Theo tìm hiểu của PV, những cặp vợ chồng thích đầu tư cho tương lai của con mình như chị Nguyệt không phải là hiếm. Mới đây, chia sẻ trên trang web dành cho các bà mẹ ‘bỉm sữa’, chị Hoàng Thu Phương (34 tuổi, TP.HCM) cũng kể về ‘cuộc đua ngầm’ để con trở thành người của giới quý tộc. Chị làm nhân viên ngân hàng, còn chồng thì buôn bán kinh doanh nhỏ. Kinh tế gia đình cũng chỉ thuộc dạng khá. Nhưng thấy đồng nghiệp khoe con mình là ‘quý tộc’, biết đánh đàn piano, biết chơi golf, chơi violon, chị thấy ấm ức trong lòng.
‘Con đồng nghiệp chỉ học ‘quý tộc’ tại một số trung tâm trong nước như vậy thì quá xoàng. Tôi sẽ dành toàn bộ tiền tiết kiệm, kể cả phải vay thêm để đưa con mình đến với các chuyên gia nước ngoài để làm ‘quý tộc thực thụ’. Phong cách của người phương Tây họ đẳng cấp hơn mình nhiều’, chị Phương chia sẻ trên web.
Sự giả tạo của người lớn và hệ lụy cho trẻ nhỏ
Theo lời chị Phương, khi ra nước ngoài, chị và nàng công chúa bé nhỏ như đang lạc bên trời Âu. Tại đây, con gái chị được tham gia vào một khóa huấn luyện trong vòng hai tuần với giá 120 triệu đồng, do các chuyên gia nước ngoài tổ chức. ‘Tôi hy vọng rằng, con gái 6 tuổi của mình sẽ sớm có được phong thái quý tộc để đua với đời. Con gái tôi được học từ cách ăn uống, trang điểm làm sao toát lên vẻ hoàng gia nhiều nhất. Không những thế, cháu còn được học một lớp múa bale. Như vậy, mới đúng dáng vẻ của một tiểu thư ‘cành vàng lá ngọc’. Họ chỉ bảo cho cháu cách mỉm cười sao cho chân thật, gây ấn tượng khi tiếp xúc với mọi người xunh quanh. Đặc biệt khi tham gia các buổi tiệc, con gái tôi sẽ không phải bỡ ngỡ trong việc uống rượu, nếm rượu, bắt tay và khiêu vũ…’, chị Phương kể.
Chị Phương cũng cho biết, sau mỗi buổi học, khi bước chân ra khỏi lớp, chị thấy con gái mình ‘sang chảnh’ lên rất nhiều. Chị có thể vênh mặt lên với đồng nghiệp mà nói rằng ‘gia đình chị cũng là tầng lớp ‘quý tộc’. Ai cũng trầm trồ thán phục mức độ chịu chơi, nhìn xa trông rộng của chị. ‘Tôi mời bạn đến nhà để xem con gái mình biểu diễn bale để họ sáng mắt ra. Nhưng, trái với sự kỳ vọng của hai vợ chồng, con gái tôi không những không biết múa bale mà còn nói năng hỗn láo với người lớn. Lúc đó, tôi không biết giấu mặt vào đâu. Dù không nói ra nhưng tôi cảm nhận được bạn bè và đồng nghiệp khinh thường, xa lánh, bất hợp tác với mình’, chị Phương nói.
‘Có lẽ, hai năm ‘đuổi’ theo tấm ‘bằng quý tộc’, chúng tôi đã mất đi rất nhiều thứ. Con tôi vì ham chơi mà đến giờ, dù đã 6 tuổi rồi mà một chữ bẻ đôi cũng không biết. Trong khi đó các bạn cùng trang lứa đã đọc vanh vách, cộng trừ giỏi rồi. Cho con đi học nó nhất định không đi, chỉ thích đi đánh golf’, chị Nguyệt ngậm ngùi cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, tại các thành phố lớn, tình trạng ‘trưởng giả học làm sang’ xuất hiện rất nhiều. Và cũng từ đó, lớp học ‘quý tộc’ mọc lên như nấm sau mưa. Các ‘đại gia’ Việt không quan tâm đến việc con cái họ sẽ thẩm thấu được bao nhiêu sau khi được huấn luyện thành ‘quý tộc’, họ chỉ tâm đến cái mác ‘quý tộc’ của con, coi như đó là một cách phô trương thanh thế.
Trao đổi với PV chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Tuyết Anh (Trung tâm tư vấn tâm lý Tâm Linh) cho rằng: ‘Những phụ huynh cho con đi học những lớp ‘quý tộc’ này phần lớn là vì bản thân họ chứ không phải vì con trẻ. Suy nghĩ này sẽ làm cho đứa trẻ phải gồng mình lên, chạy theo đẳng cấp với bố mẹ. Cuối cùng, hệ lụy cho trẻ là rất lớn bởi việc học sẽ khiến cho các bé phải chịu nhiều áp lực không đáng có, chẳng hạn như làm thế nào để có cuộc sống ‘sang chảnh’ để đua với đời hoặc khiến nảy sinh ảo tưởng, mơ mộng không cần thiết. Phong cách quý tộc đến từ cốt cách chứ không phải cứ muốn học là được’.
Mời quý độc giả xem video: